Ngày 13/1, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã có buổi tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas J. Donohue. Sau buổi tiếp, chính phủ Cuba chỉ đưa ra tuyên bố ngắn gọn cho biết hai bên đã thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm.
Được biết, buổi tiếp đón ông Donohue còn có sự hiện diện của Phó Chủ tịch khu vực châu Mỹ của Phòng Thương mại Mỹ Jodi Hanson Bond và Chủ tịch tập đoàn bảo hiểm Mỹ STARR Maurice Greenberg.
Trong khi đó, đại diện phía Cuba là Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Rodrigo Malmierca và Giám đốc Vụ các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba, bà Josefina Vidal Ferreiro.
Trong thời gian qua, Phòng Thương mại Mỹ đã đề nghị chính phủ Cuba ký kết một số thỏa thuận với các tập đoàn lớn của Mỹ như General Electric, trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người đã thể hiện thái độ thù địch đối với La Habana, chính thức nắm quyền vào ngày 20/1 tới.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump từng tuyên bố sẽ dỡ bỏ những thành quả đạt được trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Cuba và Mỹ nếu không có một thỏa thuận tốt hơn, tuy nhiên ông không nêu chi tiết về vấn đề này.
Liên quan tới sự xích lại trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba, tờ USA Today ngày 12/1 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chấm dứt chính sách được gọi là "chân ướt, chân ráo" đã áp dụng 20 năm qua với Cuba.
Cùng ngày, chính phủ Cuba đã hoan nghênh quyết định này. Theo hãng thông tấn AFP, tuyên bố của chính phủ Cuba được đăng tải trên truyền hình nêu rõ: "Thỏa thuận này đã loại bỏ cái gọi là chính sách 'chân ướt, chân ráo'". Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: "Với việc làm này, chúng ta đang đối xử với người di cư Cuba giống như người di cư từ những nước khác"
Chính sách "chân ướt, chân ráo" của Mỹ cho phép đa số người Cuba nếu đã đặt chân lên đất Mỹ sẽ được hưởng quy chế thường trú sau một năm.