Việc xung đột tại Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022 đã khiến giá năng lượng tăng vọt, mang lại lợi nhuận cao cho Nga cũng như giúp giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt lên nước này.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ nói với các phóng viên rằng EU đang tham khảo ý kiến các thành viên về mức giá trần. Một khi quy trình của EU hoàn tất, nhóm đồng minh sau đó sẽ triển khai các bước để áp đặt mức giá trần lên dầu của Nga.
Quan chức này nói thêm rằng phía Mỹ hy vọng EU sẽ hoàn thành các cuộc tham vấn về việc thiết lập giá trong vài ngày tới và các đồng minh sẽ thực hiện áp đặt mức giá trần trước ngày 5/12. Theo quan chức này, mức giá giới hạn có thể sẽ được xem xét hàng quý hoặc nửa năm một lần, do nhu cầu đảm bảo tính chắc chắn cho thị trường.
Khi được hỏi về phản ứng tiềm năng của phía Nga, quan chức này cho biết ít khả năng Moskva sẽ đáp trả chính sách mới - vì điều đó không có lợi cho nước này. Lập luận được đưa ra là bất kỳ hành động nào của Nga nhằm tăng giá dầu sẽ có tác động đến khách hàng mới của họ, như Ấn Độ và Trung Quốc.
Các quan chức Bộ Tài chính đã khẳng định rằng mức trần giá sẽ cho phép Nga kiếm được lợi nhuận, nhưng không cho nước này hưởng nguồn thu vượt mức từ đợt tăng giá mạnh của dầu.
Cũng trong ngày 22/11, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành hướng dẫn về các yêu cầu tuân thủ giới hạn giá cho các công ty vận chuyển hàng hóa và công ty tài chính tham gia vào các giao dịch liên quan.