Mỹ ưu tiên chống IS: Đông Syria sẽ trở thành 'bãi lầy chiến trường' mới?

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều lựa chọn ở Syria. Tuy nhiên, mỗi lựa chọn đều có rủi ro riêng mà nếu không cẩn thận có thể khiến Mỹ trở thành nạn nhân của chính mình.

Cuộc họp cấp bộ trưởng của liên minh toàn cầu chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tổ chức ở Washington, D.C. mới đây là một cột mốc quan trọng trên con đường thực hiện nhiệm vụ đánh bại hoàn toàn IS ở Iraq và Syria mà đội ngũ của ông Trump đã đặt ra.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã mở đầu cuộc họp bằng câu tuyên bố mối đe dọa IS sẽ là ưu tiên đầu tiên của chính quyền mới ở Mỹ, đồng thời nhấn mạnh để đạt mục điêu đó, Mỹ sẽ đầu tư đảm bảo ổn định các khu vực chiếm lại từ tay IS. Ông Tillerson xác định Syria là ưu tiên để bình ổn sau khi đánh bại IS.


Theo tạp chí National Interest, thách thức đối với chính quyền Trump ở Syria là Mỹ có thể là nạn nhân của chính mình.

Lực lượng Mỹ sẽ đối mặt nhiều khó khăn ở Syria.

Khi thực hiện chiến dịch chống IS, quân đội Mỹ đang xây dựng một khu vực lớn ở Đông Syria mà Mỹ có quyền kiểm soát. Không giống như ở Iraq, nơi chính quyền Iraq là một nhân tố nhà nước mà quân đội Mỹ chọn hợp tác, quân đội Mỹ đã từ chối hợp tác với chính quyền Syria. Mỹ sẽ chỉ hợp tác với Nga ở chỗ tránh xung đột giữa lực lượng Nga và Mỹ khi cả hai cùng chống IS và al-Qaeda.


Dưới cả thời ông Trump và Barack Obama, Mỹ chỉ coi Syria là một không gian địa lý, cố tình gạt Tổng thống Syria ông al-Assad ra ngoài lề mọi hoạt động tại Syria.


Chẳng bao lâu nữa, dường như IS sẽ bị hất cẳng khỏi Mosul, Iraq. Khi đó, quyền lực tối thượng với các vùng đất do IS từng nắm giữ ở Iraq sẽ thuộc về chính phủ Iraq cùng với các nhân tố địa phương.


Trái lại, ở Đông Syria, chính phủ Syria chỉ hiện diện ở một vài chốt quân sự rải rác, đáng kể nhất là ở căn cứ không quân bên ngoài thành phố Deir al-Zour ở hạ thung lũng sông Euphrates gần biên giới với Iraq.


Bị phân tán bởi các cuộc giao tranh ở Tây Syria, cộng với thiếu thốn lực lượng kéo dài, cho dù được Vệ binh Cách mạng Iran và mạng lưới dân quân cùng quân đội Nga hỗ trợ thì chính quyền Syria cũng phải nhường tự do hành động cho quân đội Mỹ trong chống IS ở miền Đông.


Điểm yếu của chính phủ Syria trong chống IS đã khiến Mỹ có toàn quyền và tự do gần như tuyệt đối khi thực hiện chiến dịch ở Đông Syria. Quân đội Mỹ đã tự nuôi dưỡng lực lượng đối tác của mình ở Syria, đó là liên minh Lực lượng Dân chủ Syria và Liên minh Arab Syria - một liên minh đa sắc tộc chủ yếu là người Kurd. Lực lượng Dân chủ Syria là một liên minh gây tranh cãi vì có nhiều dân quân người Kurd chịu ảnh hưởng của đảng Công nhân người Kurd – cái gai trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại hội nghị các nước thuộc liên minh chống IS ở Washington DC. Ảnh: AP

Bất chấp sự lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ, quân đội Mỹ dường như quyết tâm hợp tác với hai liên minh trên để bao vây Raqqa nhằm chiếm thành trì này từ IS vào mùa hè này. Dự kiến khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ nữa sẽ được triển khai tới Syria để phối hợp với hai liên minh nhằm đạt được mục tiêu giải phóng Raqqa. Trong bối cảnh đó, chính quyền của ông Trump có thể sớm làm chủ hoàn toàn dải đất rộng ở Đông Syria.


Cách tiếp cận này đầy rẫy nguy cơ với Mỹ và chẳng bao lâu Tổng thống Trump sẽ có quyền quyết định tăng cường đầu tư trên mặt đất ở Đông Syria và có quyền chọn đối tác. Ngày 9/3, ông Tillerson từng nói rằng lực lượng Mỹ có thể cần phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn ở Syria, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ gặp phải thách thức ở Đông Syria.


IS đã sẵn sàng cho khả năng này và sẵn sàng phát động chiến dịch du kích kết hợp với các vụ tấn công khủng bố nhằm phá hoại bất kỳ nỗ lực ổn định an ninh, chính quyền mà lực lượng Mỹ và đối tác địa phương định làm. Rủi ro thực sự mà chính quyền Trump có thể vấp phải ở Đông Syria là sứ mệnh bình ổn ở đây có thể biến thành một bãi lầy nếu IS ở Tây Syria muốn chống Mỹ và đối tác của Mỹ.


Mỹ có thể lôi kéo sự ủng hộ quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Arab vùng Vịnh, Iraq và Jordan nhưng không phải dễ gì mà họ tham gia vào một sứ mệnh không biết bao giờ mới kết thúc.


Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không hợp tác với các đối tác ở Syria mà Mỹ đã lựa chọn vì dính dáng tới người Kurd. Các nước vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất đang tập trung vào cuộc chiến ở Yemen. Jordan lại muốn tập trung vào chiến dịch an ninh trong nước…


Điều đó có nghĩa là chính quyền Trump sẽ không có một lực lượng can thiệp sẵn sàng bình ổn Trung Đông sau khi IS bị đánh bại ở Đông Syria mà sẽ phải tự mình hành động.


Chính quyền Trump lúc nào cũng có thể chuyển giao các khu vực đã giành được từ IS cho chính phủ Syria, ví như thông qua thỏa thuận với Nga. Tuy nhiên, quyết định này sẽ không được lòng các đối tác của Mỹ trong khu vực. Khu vực Đông Syria, vốn độc lập với chính quyền của ông al-Assad từ năm 2012, cũng không dễ gì mà bình ổn đối với lực lượng chiếm đóng nước ngoài và dân quân dòng Shiite. Nỗ lực bình ổn này sẽ khiến IS trỗi dậy.


Nếu chính quyền Trump sẵn sàng đẩy nhanh chiến dịch đánh bại IS và sẵn sàng chấp nhận cái giá khi bình ổn các khu vực Đông Syria, họ cần phải làm rõ với người Mỹ rằng đây là một sứ mệnh có khung thời gian rõ ràng.


Khả năng dễ xảy ra nhất là quân đội Mỹ chỉ cần vài nghìn người đồn trú ở các khu vực chiến lược thuộc Đông Syria để hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria và Liên minh Arab Syria.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
60 nước cam kết chống khủng bố IS lâu dài
60 nước cam kết chống khủng bố IS lâu dài

Ngoại trưởng và đại diện hơn 60 nước tham dự cuộc họp về chống khủng bố ở Washington (Mỹ) ngày 22/3 khẳng định tăng cường phối hợp trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN