Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bản điện tử ngày 9/3 dẫn nguồn thạo tin ẩn danh cho biết Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận để thúc đẩy cuộc gặp giữa quan chức ngoại giao hàng đầu hai nước. Đây là nỗ lực nhằm cài đặt lại quan hệ song phương đầy bất ổn, nhưng đang ở thời điểm bước ngoặt.
Phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc gặp này có thể sẽ gồm hai quan chức cấp cao. Dẫn đầu sẽ là ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, người thường đảm trách vai trò đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tham gia đoàn còn có Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị.
Đây là hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc và cũng là những cộng sự tin cậy nhất của ông Tập Cận Bình. Việc lựa chọn nhân sự này cho thấy Bắc Kinh coi trọng việc tái thiết lại quan hệ Mỹ-Trung, cặp quan hệ song phương được cho là quan trọng nhất, nhưng cũng thách thức nhất thế giới hiện nay.
Nếu được xác nhận, cuộc gặp nhiều khả năng sẽ diễn ra tại Anchorage, thành phố lớn nhất của bang Alaska, Mỹ. Đây được coi là điểm gặp gỡ phù hợp, với khoảng cách ngang bằng cho cả hai, tránh được sự theo dõi của truyền thông toàn cầu. Tuy nhiên, chưa có quyết định chính thức về địa điểm gặp gỡ và các chi tiết liên quan đến cuộc gặp này vẫn chưa được tiết lộ.
Đây sẽ cuộc gặp trực tiếp chính thức đầu tiên giữa đại diện hai nước kể từ khi ông Joe Biden lên nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng 1 vừa qua. Trước đó, ông Biden và Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm kéo dài hai tiếng hôm 11/2, ngay trước thềm đón năm mới âm lịch.
Mỹ và Trung Quốc đang bị cuốn vào đối đầu địa chính trị căng thẳng, với mâu thuẫn tồn tại trong rất nhiều vấn đề, từ Hong Kong, cuộc chiến thương mại, vấn đề sở hữu trí tuệ, hay tình hình Đài Loan, nhân quyền tại Tân Cương... Tuy nhiên, cả hai đều hiểu được tầm quan trọng của quan hệ song phương, mối quan hệ mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng mô tả là “quan trọng nhất trên thế giới”.
Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp báo thường niên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi cuối tuần qua, ông Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong một loạt các vấn đề. Tuy nhiên, Hong Kong, Đài Loan, Tân Cương là công việc nội bộ của Trung Quốc và sẽ hạn chế đề cập – người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc nêu quan điểm.
Trước đó, phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung (NCUSR) tổ chức hôm 2/2, ông Dương Khiết Trì cũng kêu gọi Mỹ kiểm soát bất đồng, đưa quan hệ song phương trở lại quỹ đạo có thể dự đoán được và mang tính xây dựng. Ông nhấn mạnh Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hợp tác hiệu quả giữa hai bên tác động trực tiếp tới hạnh phúc của người dân các quốc gia, cũng như hòa bình, phát triển và sự thịnh vượng của thế giới.
Giới phân tích nhận định, nếu diễn ra theo đúng dự kiến, cuộc gặp có thể không tạo ra kết quả cụ thể nào, nhưng sẽ là cơ hội để hai bên thăm dò ý định của nhau, tìm được tiếng nói chung nhằm gây dựng quan hệ song phương. “Tôi không cho rằng Trung Quốc hay Mỹ kỳ vọng kết quả tức thời từ cuộc gặp. Đây chỉ là việc mở cửa trở lại tiếp xúc cấp cao trong bối cảnh các kết nối kiểu này bị ngưng”, Liu Weidong, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.
Theo Chen Qi, Tổng thư ký tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, tuy không công bố chính thức, nhưng Mỹ và Trung Quốc đã duy trì tiếp xúc chặt chẽ ở cấp chuyên viên, làm việc kể từ sau thời điểm ông Biden vào Nhà Trắng. Và nếu ông Vương Nghị gặp đồng cấp Blinken ở Alaska, hai bên có thể định ra khung vĩ mô cho quan hệ Mỹ-Trung, thảo luận khởi động đối thoại song phương trong nhiều vấn đề; ráp nối, điều phối để tổ chức cuộc gặp Joe Biden-Tập Cận Bình tại một sự kiện đa phương hoặc song phương nào đó.