Mỹ tính trừng phạt Saudi Arabia sau khi OPEC+ giảm sản lượng dầu

Bất chấp Mỹ liên tục kêu gọi không cắt giảm sản lượng dầu thô, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia đứng đầu vẫn thực hiện động thái này, khiến Mỹ cảnh báo Saudi Arabia sẽ chịu hậu quả.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington DC. ngày 11/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, ngày 11/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng đã đến lúc suy nghĩ lại về mối quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia sau khi nước này tác với Nga để cắt giảm sản lượng dầu. Ông Biden nói: “Tôi đang suy nghĩ lại. Khi Hạ viện và Thượng viện trở lại làm việc, sẽ có một số hậu quả đối với những gì Saudi Arabia đã làm cùng Nga”.

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC và các đối tác (OPEC+) vào tuần trước đã khiến Nhà Trắng giận dữ. Các quan chức cho biết cá nhân Tổng thống Biden cảm thấy thất vọng với quyết định mà họ coi là thiển cận.

Động thái của OPEC+ diễn ra ba tháng sau khi ông Biden thăm Saudi Arabia và gặp Thái tử Mohammed bin Salman. Cắt giảm sản lượng dầu có khả năng làm tăng giá xăng trong những tuần trước cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11.

Sau khi đạt mức cao trong mùa hè, giá xăng ở Mỹ đã liên tục giảm, mang lại lợi thế cho ông Biden và đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử quan trọng.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu tăng cao và công việc bảo trì tại một số nhà máy lọc dầu của Mỹ, giá xăng bắt đầu tăng trở lại ở Mỹ. Quyết định của OPEC+ đã làm trầm trọng thêm những yếu tố đó.

Đối với Tổng thống Biden, quyết định này là đặc biệt tiêu cực sau khi ông đã nỗ lực trong suốt mùa hè để hàn gắn quan hệ với Saudi Arabia.

Trong khi đó, theo trang oilprice.com, Nhà Trắng đã nói rõ rằng cắt giảm sản lượng dầu thô và hệ quả là giá dầu tăng sẽ dẫn đến ba kết quả đặc biệt nguy hiểm đối với thế giới ngay bây giờ.

Đầu tiên, động thái này sẽ khiến giá năng lượng gia tăng, gây lạm phát toàn cầu. Thứ hai, nguồn thu ngân sách nhà nước của Nga sẽ tăng đáng kể vì Nga là nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt lớn. Thứ ba, như đã nói ở trên, cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào tháng 11 sẽ bất lợi cho ông Biden, khiến chính phủ của ông ít có khả năng đối phó hiệu quả với những thách thức an ninh do Nga và Trung Quốc đặt ra.

Mức cắt giảm sản lượng mới nhất của OPEC+ là mức giảm sản lượng dầu thô lớn nhất kể từ mức giảm 9,7 triệu thùng/ngày vào tháng 5/2020. Mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày mới nhất dự kiến​​ kéo dài trong 14 tháng, cho đến tháng 12/2023.

Chú thích ảnh
Cơ sở khai thác dầu tại Almetyevsk, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tác động ngay lập tức lên giá dầu thô sau quyết định của OPEC+ không quá nghiêm trọng như một số người lo ngại, nhưng động thái này thực sự có thể rất nghiêm trọng, vì trùng khớp với hai yếu tố thị trường khác mà Saudi Arabia biết rõ.

Đầu tiên là chương trình dài hạn giải phóng 1 triệu thùng dầu thô từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ (SPR) để hạ giá dầu. Điều thứ hai là lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga qua đường biển dự kiến ​​có hiệu lực vào ngày 5/12, trong khi nhóm G7 cũng đang xem xét cơ chế áp trần giá dầu Nga.

Ngoài việc biết rõ động thái cắt giảm nguồn cung dầu thô này sẽ gây ra áp lực tăng giá dầu toàn cầu, Saudi Arabia cũng hoàn toàn nhận thức được các tác động chính trị của động thái này với Mỹ, đối với châu Âu và Nga.

Chú thích ảnh
Cuộc họp chính sách ngày 5/10 của OPEC+ tại Vienna (Áo). Ảnh: AFP/TTXVN

Một nguồn tin cấp cao ngành năng lượng của EU cho biết: “EU đã gửi các số liệu về an ninh năng lượng tới các nước OPEC, nói rằng cắt giảm sản lượng dầu thô hiện nay có thể là thảm họa đối với một số chính sách năng lượng mà EU đề xuất liên quan đến các lệnh trừng phạt dầu khí của Nga, nhưng những điều này đã bị bỏ qua. Các nhân vật cao cấp nhất trong Chính phủ Saudi Arabia cũng biết chính xác động thái cắt giảm này và giá năng lượng tiếp tục cao có ý nghĩa như thế nào đối với Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử giữa kỳ”. Tuy nhiên, OPEC+ vẫn cắt giảm sản lượng dầu.

Do đó, các nhà phân tích cho rằng lẽ ra Mỹ không nên ngạc nhiên trước động thái mới nhất của Saudi Arabia. Ban đầu, các quan chức Mỹ lên án quyết định này là thiển cận, nhưng sau đó Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese đã nói trong một tuyên bố chung: “Tại một thời điểm mà duy trì nguồn cung năng lượng toàn cầu là điều tối quan trọng, quyết định này sẽ có tác động tiêu cực nhất đến các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vốn đang quay cuồng với giá năng lượng tăng cao”.

Họ nói thêm rằng chính quyền Mỹ sẽ tham khảo ý kiến ​​Quốc hội về các biện pháp tiềm tàng để có thể làm giảm quyền kiểm soát của OPEC đối với giá dầu. Trong đó, có thể có động thái khôi phục dự luật NOPEC. Đây là dự luật có thể khiến OPEC bị kiện lên tòa án Mỹ vì vi phạm chống độc quyền và có thể khiến tập đoàn Saudi Aramco tan rã và giảm giá trị xuống còn 0. Dự luật NOPEC đã được Ủy ban Tư pháp Thượng viện thông qua vào tháng 5.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer tuyên bố ngay sau thông báo cắt giảm sản lượng dầu thô mới nhất này rằng: “Những gì Saudi Arabia đã làm… sẽ được người Mỹ ghi nhớ rất lâu… Chúng tôi đang xem xét tất cả các công cụ lập pháp để đối phó tốt nhất với hành này, kể cả dự luật NOPEC”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng Thư ký OPEC bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+
Tổng Thư ký OPEC bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+

Tổng Thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais ngày 7/10 đã bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ của tổ chức này và các nước đối tác (OPEC+). Ông khẳng định quyết định này sẽ giúp OPEC+ đảm bảo nguồn cung để đối phó với với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN