Vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố không xem xét bất kỳ đề nghị đối thoại nào với Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhấn mạnh lại thông điệp được ông Sung Kim, phái viên mới của Washington về Triều Tiên đưa ra tại Seoul hôm 21/6 với mong đợi Bình Nhưỡng sớm phản ứng với nỗ lực này của Mỹ.
Cùng ngày, trong văn bản gửi tới Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ liên quan đến phiên điều trần về đề nghị ngân sách quốc phòng tài khóa 2022, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Lloyd Austin, cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thông qua các biện pháp ngoại giao để duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Ngày 23/6, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã từ chối lời đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân của Mỹ, cho biết hiện Bình Nhưỡng chưa cân nhắc khả năng liên lạc với Washington. Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên được đưa ra sau chuyến thăm Seoul của đặc phái viên hạt nhân Mỹ về vấn đề Triều Tiên kiêm Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim và cũng như chỉ một ngày sau khi bà Kim Yo-jong, một quan chức cấp cao đảng Lao động Triều Tiên và là em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đã bác bỏ khả năng Bình Nhưỡng sớm nối lại các cuộc đàm phán với Washington.
Thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao Triều Tiên càng khiến triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều Tiên trở nên mờ mịt. Kể từ cuối tháng 4, Nhà Trắng đã nhiều lần phát tín hiệu mong muốn nối lại các cuộc đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, bên cạnh đề xuất đối thoại và các bình luận tích cực, ngày 21/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm. Các chuyên gia cũng cho rằng chính quyền của ông Biden sẽ không nới lỏng trừng phạt trước khi Bình Nhưỡng có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa.