Đây là lần gia hạn thứ hai của Mỹ nhằm hỗ trợ đất nước Iraq vốn kiệt quệ do chiến tranh đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung ứng năng lượng của quốc gia láng giềng.
Trao đổi với báo giới ngày 19/3, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh mặc dù việc gia hạn này nhằm mục đích hỗ trợ Iraq phần nào hạ nhiệt tình trạng thiếu năng lượng, song Mỹ vẫn tiếp tục thảo luận với các đối tác Iraq về các biện pháp trừng phạt Iran.
Quan chức này cũng cho biết việc nâng cao năng lực của Iraq và đa dạng hóa các mặt hàng nhập khẩu sẽ giúp tăng cường và củng cố nền kinh tế quốc gia Trung Đông này, cũng như thúc đẩy xây dựng một đất nước Iraq thống nhất, dân chủ và thịnh vượng.
Iraq đối mặt với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, khiến nhiều hộ gia đình phải sống trong cảnh không có điện tới 20 giờ/ngày. Thiếu điện sinh hoạt cũng là nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng biểu tình quy mô lớn ở nước này trong mùa Hè năm ngoái.
Để giải quyết tình trạng thiếu điện, ngoài việc mua tới 28 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày từ Iran để sản xuất điện, Iraq còn phải nhập khẩu trực tiếp tới 1.300 MW điện từ Iran.
Hồi tháng 11/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính và năng lượng của Iran sau khi tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) cách đấy khoảng 6 tháng.
Tuy nhiên, ông Trump đã tạm miễn áp dụng các biện pháp trừng phạt này đối với Iraq trong 45 ngày và sau đó đã quyết định gia hạn lệnh miễn trừ này thêm 90 ngày hồi tháng 12 năm ngoái.
Bất chấp những cảnh báo của Mỹ, Iraq vẫn duy trì mối quan hệ nồng ấm với Iran. Hồi tuần trước, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani đã có chuyến chuyến thăm đầu tiên tới Iraq nhằm thúc đẩy và tăng cường quan hệ song phương.