Phát biểu cùng với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thông báo lệnh trừng phạt nhằm vào 2 cá nhân là Hamid Reza Ghadirian và Ahmad Asghari Shiva'i, mà theo ông là nắm vai trò trung tâm trong chương trình làm giàu urani của Iran. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cũng thông báo các biện pháp trừng phạt đối với Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI).
Trong khi đó, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O'Brien cho biết Mỹ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với 27 cá nhân và thực thể liên quan tới chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Ngoài ra, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng cho hay, 5 nhà khoa học Iran cũng nằm trong danh sách trừng phạt do vai trò của họ trong chương trình phát triển hạt nhân của Tehran.
Giới chức Mỹ cho rằng trong gần 2 năm qua, các quan chức Iran đã hợp tác với chính quyền Tổng thống Maduro, bất chấp lệnh cấm vận của Liên hợp quốc (LHQ) và các động thái trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Tehran là lời cảnh báo đối với các nước khác.
Theo Ngoại trưởng Pompeo, Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh, được coi là một công cụ mới và mạnh mẽ để thực thi lệnh cấm vận của LHQ, theo đó cho phép trừng phạt cứng rắn nhằm vào các quốc gia, công ty, cá nhân bán hoặc cung cấp vũ khí cho Iran.
Trước đó cùng ngày, chính quyền Trump đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Bộ Quốc phòng Iran cũng như các cá nhân, thực thể khác liên quan tới chương trình vũ khí và hạt nhân của Tehran nhằm khẳng định tuyên bố trước đó của Mỹ rằng tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran đã được khôi phục, một động thái mà các đồng minh chủ chốt của Washington như các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tranh cãi.
Hôm 19/9, Mỹ tuyên bố rằng tất cả các lệnh trừng phạt của LHQ trước năm 2015 đối với Iran đã được khôi phục. Ngoại trưởng Pompeo cho biết các lệnh trừng phạt được tái áp đặt theo cơ chế "phản hồi" trên cơ sở Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được Tehran ký kết vào tháng 7/2015 với các cường quốc là Nga, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Mỹ, cùng với EU. Nước Mỹ, dưới thời Tổng thống Trump, đã rút khỏi hiệp định trên vào ngày 8/5/2018 và đơn phương áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.