Ông Miller cho biết Đại sứ quán Mỹ đã đưa ra cảnh báo trước đó dựa trên mối đe dọa có thể xảy ra về một cuộc tấn công lớn vào Kiev, dẫn đến sự thay đổi tạm thời về ‘vị thế’ tại Đại sứ quán.
Ông Miller không đi sâu vào chi tiết cụ thể của mối đe dọa, nhưng cho biết đó là điều mà phía Mỹ luôn theo dõi chặt chẽ và nước này coi trọng sự an toàn và an ninh của nhân viên của mình.
Ông Miller hy vọng Đại sứ quán Mỹ tại Kiev sẽ trở lại hoạt động bình thường vào ngày 21/11.
Xem video người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller thông báo việc kỳ vọng sớm mở cửa Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine. Nguồn: Reuters
Trước đó vào ngày 20/11, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine đã đóng cửa và các nhân viên Đại sứ quán được hướng dẫn trú ẩn tại chỗ khi nhận được thông tin rằng có thể xảy ra một cuộc không kích vào ngày 20/11.
Theo hãng tin Reuters, trong một tuyên bố được đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Vì thận trọng tối đa, đại sứ quán sẽ đóng cửa và các nhân viên đại sứ quán được yêu cầu trú ẩn tại chỗ. Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo công dân Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng để ngay lập tức trú ẩn nếu có cảnh báo không kích”.
Cảnh báo trên được đưa ra một ngày sau khi Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga. Động thái được cho là sau khi Tổng thống Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp trong bối cảnh cuộc chiến bước sang ngày thứ 1.000.
Sau vụ phóng tên lửa của Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov đã nhấn mạnh Ukraine sẽ không thể sử dụng tên lửa công nghệ cao này mà không có Mỹ hỗ trợ. Ông cũng nhắc lại lời của Tổng thống Putin rằng quan điểm của Nga sẽ thay đổi nếu phương Tây ủng hộ mở rộng phạm vi tấn công tới 300 km.
Về vụ tấn công trên, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định hệ thống phòng không Pantsir và S-400 của nước này đã bắn hạ 5 tên lửa và làm hỏng một tên lửa. Các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống khu vực của một cơ sở quân sự ở tỉnh Bryansk, gây ra hỏa hoạn, nhưng đã được dập tắt kịp thời. Vụ tấn công không gây thương vong hay thiệt hại.