Mỹ thiệt hại lớn nếu Nga chấm dứt cung cấp động cơ tên lửa

Mỹ ước tính sẽ bị thiệt hại khoảng 5 tỉ USD nếu Nga chấm dứt cung cấp động cơ tên lửa RD-180 cho các tên lửa của Mỹ, được sử dụng để phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo. Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo của nhóm chuyên gia do Phó Chủ tịch công ty Aerospace Michael Griffin đứng đầu, theo đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos Oleg Ostapenko tuyên bố Nga có thể chấm dứt cung cấp các động cơ tên lửa cho Mỹ nếu chúng tiếp tục được sử dụng để phóng vệ tinh quân sự.

RD-180 do công ty Energomas của Nga sản xuất, được lắp ở tầng thứ nhất cho tên lửa Atlas-5 của tập đoàn Lockheed Martin cùng với tên lửa Delta-4 của công ty Boeing, là những tên lửa chính được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng. Hai tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ của Mỹ đã thành lập liên doanh United Launch Alliance ký hợp đồng dài hạn trị giá nhiều triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ để phóng vệ tinh do thám.

Tên lửa Atlas 5 mang theo tầu vũ trụ Juno của NASA rời bệ phóng Cape Canaveral, Florida. Ảnh: AFP - TTXVN


Theo báo cáo trên, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến phóng 38 tên lửa Atlas - 5 trong vài năm tới, tuy nhiên hiện Mỹ chỉ có dự trữ 16 động cơ tên lửa RD-180 cho loại tên lửa này. Theo hợp đồng với Energomas tới cuối năm 2014, công ty này phải cung cấp thêm 5 chiếc RD-180. Nếu Nga từ chối xuất khẩu thiết bị này, chương trình phóng vệ tinh quân sự của Không quân Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, theo đó trong 3,5 năm tới sẽ có 31 vụ phóng bị trì hoãn, gây thiệt hại 5 tỉ USD.

Cũng theo báo cáo, việc sản xuất động cơ tên lửa RD-180 trên lãnh thổ Mỹ theo giấy phép của Nga sẽ có chi phí rất lớn. Vì vậy, trong bất kì trường hợp nào, Mỹ cùng cần phải phát triển động cơ tên lửa của riêng mình và phải bắt đầu thực hiện trong năm 2014 để giảm nguy cơ hiện tại và duy trì tiềm năng trong tương lai.

Quốc hội Mỹ đã soạn thảo dự toán ngân sách quốc phòng năm 2015, trong đó dự kiến chi 220 triệu USD chế tạo động cơ có thể thay thế động cơ tên lửa RD-180 của Nga. Các chuyên gia cho rằng động cơ này có thể được sản xuất trong năm 2022. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng sẽ tiêu tốn của Mỹ hàng tỷ USD.

Còn hiện tại, báo cáo khuyến nghị United Launch Alliance và Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng mua RD-180 dự trữ. Trước đó, Giám đốc Energomas Vladimir Solnsev cho biết Mỹ yêu cầu tăng số lượng động cơ tên lửa cung cấp tới năm 2018 từ 29 lên 37 chiếc.

Tuy nhiên, ông Solnsev cũng cảnh báo việc chấm dứt xuất khẩu RD-180 cho Mỹ có thể giảm 60% sản lượng của công ty.


TTXVN/ Tin tức
Mỹ điều tuần dương hạm tên lửa tới Biển Đen
Mỹ điều tuần dương hạm tên lửa tới Biển Đen

Hải quân Mỹ đang điều một tuần dương hạm trang bị tên lửa dẫn đường tới Biển Đen, động thái mới nhất của Washington nhằm trấn an các đồng minh đang lo lắng về sự can dự của Nga tại Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN