Dựa trên những đánh giá tình báo xác định rằng các chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda ở châu Phi đang ngày càng trở thành một nguy cơ lớn đe dọa an ninh quốc gia và các lợi ích của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã và đang tăng cường sự giám sát đối với các chi nhánh này và không loại trừ khả năng có thể sẽ sử dụng cả các biện pháp quân sự đơn phương. Các quan chức cao cấp Nhà Trắng tiết lộ với báo giới, trong vài tháng qua, Nhà Trắng đã tổ chức một loạt cuộc họp bí mật nhằm đánh giá lại nguy cơ của lực lượng Al-Qaeda ở châu Phi cũng như thảo luận các phương án, trong đó có việc tiến hành các cuộc không kích đơn phương vào lực lượng này.
Các cuộc họp này được triệu tập sau khi các tay súng Al-Qaeda chiếm cứ được một phần lãnh thổ Mali và đang tìm cách mua lại số vũ khí mà phe đối lập ở Libi đã từng sử dụng để lật đổ chế độ Tổng thống Libi Muammar Qaddafi.
Các cuộc họp này càng trở nên cấp bách khi các báo cáo tình báo khẳng định các vụ tấn công khủng bố gần đây ở châu Phi là có liên hệ với nhóm khủng bố Hồi giáo Maghreb thuộc Al-Qaeda (AQIM) có căn cứ chính ở Mali.
Cảnh sát điều tra hiện trường vụ đánh bom tại trung tâm thủ đô Mogadishu, Somalia ngày 20/9. Hai kẻ đánh bom thuộc tổ chức cực đoan Shebab có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ở Somalia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các giới chức Nhà Trắng, nội dung chính của các cuộc họp là tập trung thảo luận cách thức hỗ trợ các đơn vị quân đội bản xứ đối phó với các hoạt động khủng bố, đồng thời cũng bàn tới các phương án, theo đó Lầu Năm Góc có thể tiến hành các vụ không kích đơn phương như đã và đang làm ở Pakistan (Pakixtan), trong trường hợp quân đội các nước sở tại không đủ sức ngăn chặn hoạt động của các phần tử Al-Qaeda.
Nỗ lực mới gia tăng giám sát các tay súng khủng bố ở châu Phi được đặt dưới sự chỉ đạo chung của Cố vấn chống khủng bố của Nhà Trắng John Brennan cùng với sự tham gia của các quan chức Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Trước đó, trong chuyến thăm Marocco (Marốc) ngày 27/8 vừa qua, Tướng Lục quân Carter Ham - Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Phi của Mỹ - cho biết ở thời điểm hiện tại, Washington (Oasinhtơn) chưa có kế hoạch can thiệp quân sự trực tiếp, song mọi phương án đều đã sẵn sàng.
Trong vài năm qua, quân đội Mỹ cũng thường xuyên tiến hành các sứ mệnh tình báo bí mật, trong đó có các chuyến bay do thám sử dụng các máy bay dân sự và giám sát các hoạt động thông tin liên lạc của các phần tử khủng bố ở một loạt nước châu Phi, đặc biệt là vùng sa mạc Sahara.
TTXVN/Tin Tức