Mỹ siết chặt vòng vây trừng phạt ngành dầu mỏ Iran

Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/2 tuyên bố Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 30 cá nhân và tàu thuyền vì vai trò trong hoạt động buôn bán và vận chuyển các sản phẩm liên quan đến dầu mỏ của Tehran.

Những con tàu vừa bị đưa vào danh sách trừng phạt mới là một phần trong “đội tàu bóng tối” của Iran.

Chú thích ảnh
Cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, ngoài khơi bờ biển Iran. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Các biện pháp trừng phạt nêu trên nhắm vào các nhà môi giới dầu mỏ ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Hong Kong, các công ty điều hành và quản lý tàu chở dầu tại Ấn Độ và Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Hamid Bovard, Giám đốc Công ty Dầu khí Quốc gia Iran, và Công ty Cảng dầu Iran.

Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, những con tàu bị trừng phạt đã tham gia vận chuyển “hàng chục triệu thùng dầu thô với tổng giá trị hàng trăm triệu USD”.

Các biện pháp trừng phạt mới là sự tiếp tục mở rộng đối với những lệnh trừng phạt đã được chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden áp đặt trước đây.

Tuyên bố dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh Washington “sẽ sử dụng toàn bộ các công cụ sẵn có để nhắm mục tiêu vào tất cả các khía cạnh trong chuỗi cung ứng dầu mỏ của Iran, và bất kỳ ai giao dịch dầu mỏ của Iran đều phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt”.

Cũng theo Bộ Tài chính Mỹ, Bộ Ngoại giao nước ngày cùng ngày đã đưa thêm 16 công ty vào danh sách trừng phạt “vì liên quan đến các hoạt động mua, bán và vận chuyển xăng dầu của Iran”.

Trước đó, hôm 14/2, trả lời phỏng vấn Fox Business, ông Bessent ước tính Iran đang xuất khẩu từ 1,5 - 1,6 triệu thùng dầu/ngày. Tuy nhiên, Mỹ cam kết sẽ đưa con số này xuống còn 100.000 thùng/ngày, tương đương mức giảm 90% so với hiện tại. Động thái này được xem là sự tiếp nối chính sách cứng rắn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên, khi Washington thành công trong nỗ lực cắt giảm xuất khẩu dầu của Iran từ 3 triệu thùng/ngày (năm 2017) xuống còn 400.000 thùng/ngày (năm 2019).

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định Mỹ không thể giảm khối lượng xuất khẩu dầu của Iran xuống mức gần bằng “0” mà không nhắm đến các bên trung gian, cũng như những quốc gia mua cuối cùng. Theo dữ liệu của trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế CEIC, sản lượng dầu thô của Iran đã ghi nhận mức 3,28 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2025. Do đó, các chuyên gia dự báo kế hoạch tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khó có thể bị ảnh hưởng bởi chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ.

Tiến Thành (TTXVN)
Tại sao Saudi Arabia muốn làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran?
Tại sao Saudi Arabia muốn làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran?

Sau khi thành công kết nối Mỹ và Nga, Saudi Arabia tiếp tục đặt mục tiêu trở thành trung gian hòa giải giữa Washington và Tehran. Động thái này không chỉ nâng cao vị thế của Riyadh mà còn phản ánh những toan tính chiến lược của nước này trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN