Mỹ phủ nhận gây sức ép với Venezuela

Chính phủ Mỹ ngày 19/7 bác bỏ thông tin cho rằng Mỹ dọa cắt xuất khẩu xăng và các sản phẩm khác từ dầu mỏ cho Venezuela nếu không từ bỏ ý định cấp quy chế tị nạn cho cựu nhân viên tình báo Edward Snowden đang bị Washington truy bắt vì tội làm gián điệp.

Bà Harf tại cuộc họp báo. Ảnh: Bộ ngoại giao Mỹ


Trong một cuộc họp báo ở Washington, Phó phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Marie Harf khẳng định Mỹ tiếp tục tìm kiếm mối quan hệ “thiết thực và có kết quả” với Venezuela, bất chấp những bất đồng xuất phát từ việc Caracas sẵn sàng cấp quy chế tị nạn cho cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), và phản ứng mạnh mẽ của Venezuela trước những phát biểu thù địch của đại sứ được Mỹ đề cử tại Liên hợp quốc.


Tuy nhiên, bà Harf thừa nhận tuần trước Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, đã điện đàm với người đồng cấp Venezuela, Elías Jaua, liên quan tới vụ bê bối tình báo trên. Theo nhật báo ABC của Tây Ban Nha, trong cuộc đàm thoại, Mỹ dọa cắt xuất khẩu xăng và các sản phẩm khác từ dầu mỏ cho Venezuela. Ngoài ra, Mỹ đã rút thị thực nhập cảnh đối với một số quan chức cấp cao và doanh nhân thân chính phủ Venezuela.


Bà Harf đã phủ nhận các thông tin trên và cho biết trong cuộc cuộc điện đàm, ông Kerry đã chỉ rõ Snowden đã vi phạm luật pháp Mỹ và cần phải được dẫn độ về Mỹ để xét xử, nhưng không đề cập tới các biện pháp Mỹ đưa ra nếu Venezuela cho Snowden tị nạn.


Theo bà Harf, nếu Venezuela tiếp nhận Snowden, lúc đó Mỹ mới xem xét để đưa ra “câu trả lời thích hợp”.


Nguồn tin báo chí cho biết cuộc điện đàm diễn ra đêm 12/7, ít giờ sau khi Snowden thông báo chấp nhận quy chế tị nạn mà chính phủ Venezuela sẵn sàng cấp.


Quyết định sẵn sàng cưu mang Snowden đã làm nguội lạnh cuộc đối thoại nhằm bình thường hóa quan hệ hai nước –từ năm 2010 chỉ giữ quan hệ ở cấp đại biện lâm thời- như hai ngoại trưởng đã thỏa thuận khi gặp nhau bên lề Đại hội đồng Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) tại Guatemala hồi đầu tháng 6.


Cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng Kerry và Jaua là cuộc điện đàm thứ hai liên quan tới vụ bê bối Snowden đã được công bố giữa một quan chức cấp cao Mỹ và một quan chức của một nước Mỹ Latinh. Trước đó, hồi cuối tháng 6, Phó tổng thống Mỹ, Joseph Biden, đã gọi điện cho Tổng thống Ecuador, Rafael Correa, để đề nghị không cấp quy chế tị nạn cho Snowden.


Bộ ngoại giao Mỹ xác nhận về cuộc điện đàm giữa hai ông Kerry và Jaua một ngày sau khi Tổng thống Venezuela, Nicolás Maduro, yêu cầu Washington “sửa sai ngay lập tức” sau khi bà Samantha Power tuyên bố, nếu được Quốc hội thông qua làm đại sứ tại Liên hợp quốc, bà sẽ đấu tranh chống lại “sự đàn áp” tại Venezuela.


Tổng thống Maduro coi phát biểu của bà Power là “hiếu chiến” và “bỉ ổi”, và chỉ rõ chính Mỹ áp dụng chính sách đàn áp khi tìm cách truy nã Snowden chỉ vì anh nói ra sự thật.


Quang Sơn (Phóng viên TTXVN tại Argentina)


Venezuela cho Snowden 'tị nạn nhân đạo'
Venezuela cho Snowden 'tị nạn nhân đạo'

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã đề nghị cho Edward Snowden, người đã tiết lộ các bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được hưởng "tị nạn nhân đạo" ở quốc gia Nam Mỹ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN