Bà Tai cũng thừa nhận Mỹ cần “sửa sai” trong chính sách thương mại với châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh Washington tìm cách tại thiết lập uy tín, ảnh hưởng của một siêu cường kinh tế sau khi đã rút khỏi CPTPP. Đây là quan điểm được Đại diện thương mại Mỹ đưa ra trong chuyến thăm Tokyo ngày 17/11 khi Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trực tiếp nêu vấn đề việc Mỹ trở lại CPTPP.
Tuy nhiên, trong trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (FT) cùng ngày, bà Tai đã khẳng định Mỹ sẽ không quay lại thỏa thuận mà ông Trump đã từ bỏ ngay sau khi lên nhậm chức hồi năm 2017. Thay vào đó, Đại diện thương mại Mỹ đề cập đến những cách thức, biện pháp Mỹ đã lên kế hoạch triển khai nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác mà không cần tới khuôn khổ CPTPP. Theo bà, có nhiều cơ chế, cấu trúc tốt hơn để xử lý các thách thức so với hiệp định đã được đưa ra đàm phán tám năm trước đây.
Bà Tai hiện đang có chuyến công du tới châu Á, với ba chặng dừng chân tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đại diện thương mại Mỹ khẳng định mục đích chính của chuyến đi là nhằm thuyết phục các đối tác châu Á tin vào “tính bền vững” trong chính sách thương mại của Mỹ.
“Mục tiêu của chuyến công du lần này là hoàn tất sửa sai”, bà Tai bày tỏ quan điểm khi phóng viên tờ FT đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ ý định khôi phục uy tín vốn đã bị giảm sút ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không. Bà cho rằng Mỹ có trách nhiệm trong việc nêu đề xuất với các đồng minh về chính sách thương mại bền vững, một chính sách sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi rãi về mặt chính trị.
Theo Đại diện thương mại Katherine Tai, có cơ hội thực sự để Mỹ và đối tác ở châu Á tăng cường hợp tác nhằm đối phó với những thách thức từ các chính sách bảo trợ công nghiệp, phi thị trường mà Trung Quốc áp dụng. Tại Tokyo, bà Tai đạt thỏa thuận về quan hệ đối tác thương mại song phương mới với Nhật Bản. Hiện chưa có thông tin chi tiết về thỏa thuận này, có thể là do tính chất nhạy cảm về chính trị đối với cả hai bên.
Phía Nhật Bản cho biết chuyến thăm của bà Tai giúp vẽ ra đường hướng rõ ràng hơn so với thời ông Trump. Khung thỏa thuận song phương mới là cách thức Mỹ phản hồi trước lời kêu gọi của Tokyo về mở rộng can dự rộng rãi hơn tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Về phần mình, bà Đại diện thương mại Mỹ mô tả quan hệ đối tác mới này là một nền tảng giúp xử lý nhiều vấn đề, như phục hồi kinh tế hậu COVID-19 hay khủng hoảng khí hậu – đều là những chủ đề nằm ngoài các khung hiệp định thương mại khu vực hiện hành.
“Có quá nhiều vấn đề để chúng ta có thể thảo luận và hợp tác. Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức thức xuất hiện nhanh và mạnh hơn. Không có thời gian để lãng phí. Tôi nghĩ những cấu trúc như vậy [quan hệ đối tác mới với Nhật Bản] sẽ đặc biệt có giá trị với cả hai nước trong tăng cường quan hệ song phương”, Đại diện thương mại Mỹ nói.
Chuyến công du đầu tiên tới châu Á của bà Tai diễn ra sau gần bốn năm Mỹ bất ngờ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP, tiền thần của CPTPP) dù Mỹ trước đó từng đóng vai trò trung tâm dẫn dắt trong quá trình tạo lập, đàm phán. CPTPP hiện đang thu hút sự chú ý của nhiều nền kinh tế, mới nhất là việc Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan/Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập.
Giới phân tích nhận định, ngay cả khi chính quyền Tổng thống Joe Biden coi CPTTP là lựa chọn phù hợp nhất cho can dự kinh tế-thương mại của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, sức ép trong nước sẽ khiến Nhà Trắng không thể theo đuổi ý tưởng tái gia nhập thỏa thuận.
Bà Tai đã ngầm đưa ra lời giải thích cho việc Mỹ không xem xét tái gia nhập CPTPP. Theo Đại diện thương mại Mỹ, bối cảnh toàn cầu và khu vực hiện nay – nhất là gắn với yếu tố môi trường và phục hồi hậu COVID-19, rất khác biệt so với thời điểm 12 nước thành viên khởi nguồn của TPP mở đàm phán tám năm trước. “Thời điểm này chúng ta vẫn đang phải vật lộn để hướng đến phục hồi kinh tế mạnh mẽ, tìm cách vượt ra đại dịch. Đó là những vấn đề cấp thiết, liên quan nhiều nhất đến quan hệ đối tác của Mỹ cũng như cam kết của Mỹ tại khu vực”, bà Tai nói.