Mỹ nỗ lực ngăn chặn thảm họa vỡ nợ

Ngày 18/7, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ tiếp tục những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận về biện pháp giúp chính phủ Mỹ tránh khỏi nguy cơ lâm vào tình trạng vỡ nợ công.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: THX - TTXVN


Lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell đã đưa ra “kế hoạch B” nhằm ngăn chặn thảm cảnh nước Mỹ vỡ nợ, theo đó cho phép Tổng thống Mỹ Barack Obama nâng mức trần nợ công mà phe Cộng hòa không cần phải bỏ phiếu ủng hộ và không đòi hỏi phải cắt giảm chi tiêu. “Kế hoạch B” này được ông McConnell đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến ngày 22/7 - thời hạn chót mà Tổng thống Obama đặt ra cho Quốc hội phải đạt được thỏa thuận về mức trần nợ công để kịp thông qua luật mới trước ngày 2/8.

Trong khi đó, ông Harry Reid, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, muốn “Kế hoạch B” bao gồm việc cắt giảm chi tiêu 1.500 tỷ trong vòng 10 năm tới, trong đó có cắt giảm chi tiêu quân sự, và gia hạn thời gian giảm thuế thu nhập để thúc đẩy nền kinh tế. Theo các quan chức đảng Dân chủ, Thượng viện Mỹ có thể sẽ xem xét kế hoạch trên trong tuần này.

Từ trước đến nay, lãnh đạo hai đảng đều nhất trí rằng cần phải nâng mức trần nợ công nhưng bất đồng về cách thực hiện điều đó. Phe Dân chủ muốn khẩn trương nâng mức trần nợ công, trong khi phe Cộng hòa đặt điều kiện phải thông qua các kế hoạch cắt giảm chi tiêu trước khi bàn về chuyện mức trần nợ công.

Đề xuất của Tổng thống Obama về việc nâng mức trần nợ công hiện nay thêm 2.500 tỷ USD và chia thành ba giai đoạn trong thời hạn một năm đã không nhận được sự ủng hộ từ các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội, và ông chủ Nhà Trắng đang phải đối mặt với sự chỉ trích ngày càng tăng trong những nghị quyết phản đối mang tính tượng trưng. Năm ngày thảo luận liên tiếp giữa Tổng thống Obama và giới lãnh đạo Quốc hội đã kết thúc cuối tuần trước mà không khai thông được bế tắc.

Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN ngày 18/7, Giám đốc Ngân sách Nhà Trắng Jake Lew nhấn mạnh Tổng thống vẫn muốn giảm tức khắc khối nợ công lớn của Mỹ nhưng không thể xóa bỏ những nguyên tắc cơ bản và phải có kế hoạch dự phòng. Cả Nhà Trắng và Quốc hội đều ủng hộ cắt giảm phần lớn chi tiêu, nhưng Tổng thống Obama cũng tìm cách tăng thêm khoản thu ngân sách bằng cách tăng thuế đánh vào tầng lớp giàu và các doanh nghiệp lớn tại Mỹ, điều mà đảng Cộng hòa cực lực phản đối. Tuy nhiên, ông Lew bày tỏ tin tưởng “vẫn còn thời gian để giải quyết một vấn đề lớn mở đường cho thỏa thuận về vấn đề nợ công. Tối thiểu Quốc hội phải có phương hướng hành động và ngăn chặn nguy cơ nước Mỹ bị vỡ nợ”.

Chính phủ Mỹ đã chạm mức trần nợ công hồi tháng 5 và từ đó đến nay, Bộ Tài chính đã phải dùng những biện pháp đặc biệt để chính phủ Mỹ có tiền hoạt động. Nếu mức trần nợ công hiện tại (14.300 tỷ USD) không được nâng trước ngày 2/8, giới chuyên gia kinh tế cho rằng các thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong khi kinh tế Mỹ sẽ bị rơi vào một cuộc suy thoái khác.

Thùy Dương

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN