Trong tuần này, Mỹ và Nhật Bản sẽ khởi động các cuộc đàm phán về chủ đề cách thức đối phó có hiệu quả đối với các sự cố vũ trang quy mô dưới một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Nhật Bản. Nhưng Tokyo lo sợ rằng, đồng minh của họ sẽ khó lòng đồng ý gửi một thông điệp ngăn chặn tới Trung Quốc.Giới chức quân sự hai bên sẽ gặp nhau ở Hawaii, xem xét lại định hướng phòng thủ chung lần đầu tiên sau 17 năm. Tokyo hy vọng sẽ hướng chủ đề vào các mối đe dọa hiển hiện, cụ thể là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát, trong khi Washington lại đề cập đến một phạn vi, tầm mức rộng lớn hơn.
Điếu Ngư/Senkaku - quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Ảnh: Kyodo
|
Hiện tại, Mỹ chưa đưa ra quan điểm về chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, nhưng thừa nhận Nhật Bản quản lý các đảo này và Điếu Ngư/Senkaku thuộc phạm vi bảo vệ của Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ. Nhưng ngay tại những thời điểm căng thẳng leo thang nhất ở Hoa Đông, giới chính quyền Mỹ vẫn chứng minh là không muốn bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa hai cường quốc kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới này.
Một quan chức giấu tên ở Tokyo cho biết: Nhật Bản muốn đặt ưu tiên thảo luận về Trung Quốc và làm rõ vai trò tương ứng của Mỹ, Nhật Bản trong sự kiện liên quan đến vụ việc tại “vùng xám” (grey zone)” - ý muốn nói đến xung đột, va chạm chưa đến mức là một cuộc tấn công quân sự quy ước tại Điếu Ngư/Senkaku, nhưng vẫn gây đe dọa tới an ninh của Nhật. Đó có thể là những trường hợp giả định như lực lượng đặc nhiệm của Trung Quốc hóa trang thành ngư dân, xuất hiện trên các đảo tranh chấp. Theo ông này, Tokyo muốn Washington phối hợp soạn thảo các kịch bản quy định phản ứng của hai nước trong những tình huống cụ thể. Giới phân tích Nhật Bản nhìn nhận: Nếu Washington không chi tiết hóa các kịch bản về mối đe dọa Trung Quốc, nó sẽ “hủy hoại niềm tin của một liên minh, tạo điều kiện để Trung Quốc quyết đoán hơn”.
Tuy nhiên, đây cũng là điều khó khăn, khi mà Nhà Trắng vẫn còn e ngại việc đi vào cụ thể chi tiết như vậy sẽ kích động Trung Quốc. Ông Narushige Michishita, cố vấn an ninh quố gia thời Thủ tướng Junichiro Koizumi (2001 – 2016) bày tỏ: Mỹ rõ ràng e dè trong vấn đề này, vì nếu làm vậy sẽ đẩy họ vào một cuộc đối đầu, thậm chí có thể là xung đột với Trung Quốc. Một quan chức quốc phòng Mỹ thì nói rằng, những định hướng mới cần đặt trong bối cảnh lớn hơn, bao gồm cả tình hình bán đảo Triều Tiên và những diễn tiến toàn cầu. “Đó không phải là đi xử lý một vụ việc cá biệt nào đó. Nó là việc thiết lập một liên minh Mỹ - Nhật linh động và thích ứng với môi trường toàn cầu, vốn không chỉ phân biệt trắng - đen như chúng ta từng nghĩ ở thời điểm năm 1997”, ông này chia sẻ.
Định hướng nâng cấp liên minh quốc phòng Mỹ - Nhật được hai bên thống nhất tháng 10/2013 xảy ra vào thời điểm Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi ý tưởng tăng cường sức mạnh quân sự, xóa bỏ những rào cản ràng buộc của hiến pháp hòa bình đối với chính sách quốc phòng Nhật Bản. Nó cũng là lúc Mỹ thúc giục Nhật Bản đảm nhận vai trò lớn hơn trong liên minh. Một quan chức quân đội Mỹ nhìn nhận: Can dự của Mỹ vào “vùng xám” trong các sự vụ có thể bao gồm tình báo, theo dõi, do thám. Và theo đó, thảo luận các định hướng mới sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực này. Điều này cũng trùng hợp với nhận định của cựu chuyên gia ngoại giao Nhật Bản Yoshiji Nogami, hiện là Chủ tịch Viện nghiên cứu Nhật Bản về các vấn đề quốc tế: Kết quả dự kiến sẽ là vậy, chứ không phải là các hành động quân sự trực tiếp của Mỹ như Nhật Bản mong đợi.
HT (
Reuters)