Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters ngày 30/10, Đại sứ Mỹ tại Tokyo Rahm Emmanuel cho biết chính phủ Mỹ đã đồng ý mua hải sản Nhật Bản cho quân đội nước mình nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ quyết định xả nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương.
Lực lượng vũ trang Mỹ sẽ ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp thủy sản Nhật Bản để giúp nước này tránh được tổn thất trước lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc. Đại sứ Emmanuel cho biết thêm cá, sò điệp và các thực phẩm khác của Nhật Bản sẽ được phục vụ trên các tàu của Hải quân Mỹ, cũng như được dự trữ tại các nhà kho và phòng ăn tại 17 căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực.
Đại sứ Emmanuel thừa nhận việc cung cấp hải sản Nhật Bản cho lính Mỹ sẽ không bù đắp hoàn toàn việc Nhật Bản mất đi thị trường Trung Quốc rộng lớn, nhưng đây sẽ là tuyên bố đanh thép trước “sức ép kinh tế” từ phía Bắc Kinh.
Trung Quốc, từng là nước nhập khẩu cá lớn nhất của Nhật Bản, đã cấm tất cả hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản vào tháng 8, với lý do lo ngại về khả năng ô nhiễm phóng xạ. Bắc Kinh chỉ trích quyết định của chính phủ Nhật Bản bắt đầu xả nước thải Fukushima ra Thái Bình Dương, gọi hành động này là “ích kỷ và vô trách nhiệm”. Đầu tháng 10, Nga cũng đưa ra một quyết định tương tự.
Về phần mình, chính phủ Nhật Bản nhiều lần bảo vệ kế hoạch xả nước thải là an toàn. Theo hãng tin Kyodo, kể từ tháng 8, Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đã xả thải khoảng 15.600 tấn nước được xử lý bằng hệ thống lọc để loại bỏ các đồng vị phóng xạ, ngoại trừ triti. Lượng triti còn lại sau đó được pha loãng đến tỷ lệ 1/40, mức nồng độ cho phép theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản. Các chuyên gia cho biết lượng tritium trong môi trường sẽ cực nhỏ do hòa lẫn với nước biển. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã ủng hộ kế hoạch này.