Biến thể B.1.17, bị nghi ngờ đang gây ra một đợt bùng phát lây nhiễm mới ở Anh, cũng đang lan tràn hầu khắp lãnh thổ Mỹ, với trên 45 tiểu bang đã phát hiện.
Chuyên gia về virus Trevor Bedford, tại trường Đại học Washington, nhận định với CNN: “Nó sẽ gia tăng trong mùa Xuân, và có thể gây ra nhiều đợt sóng mới, vào tháng 4 hoặc tháng 5, hơn là chúng ta dự tính. Tôi vẫn nghi ngờ mọi chuyện có thể được kiểm soát trong mùa Hè”.
Ông Bedford nói thêm rằng những nỗ lực tiêm phòng và giảm thiểu lây nhiễm như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ giúp kiểm soát lây lan dịch bệnh, và một làn sóng mới có thể bắt đầu trong mùa Thu.
Tiến sĩ Josh Schiffer, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, người đã theo dõi các mô hình lây lan của virus, cũng đồng tình với ý kiến trên: “Tôi nghĩ tới các biến thể mới, sẽ khó khăn hơn để ngăn chặn hoàn toàn làn sóng thứ tư”.
Chuyên gia này cho rằng tiêm phòng là con đường tốt nhất để làm chậm bất cứ làn sóng mới nào: “Chúng ta cần thật nhiều vaccine và khả năng miễn dịch mạnh mẽ nhờ những vaccine này”.
Trong khi đó, ngày 23/2, một báo cáo mới công bố cũng cảnh báo rằng biến thể B.1.1.7 đang đe dọa gây ra một làn sóng lây nhiễm mới trong tháng 3, đồng thời đề xuất giới chức Mỹ đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng bằng cách tạm bỏ qua liều vaccine thứ hai.
Nhà dịch tễ học Michael Osterholm và cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và Chính sách thuộc trường Đại học Minnesota khuyến nghị những người trên 65 tuổi nên đi tiêm phòng bởi họ là đối tượng nguy cơ cao nhất mắc bệnh nặng và tử vong.
Nhóm nghiên cứu của ông Osterholm kêu gọi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhanh chóng tập hợp các cố vấn để giúp thay đổi các hướng dẫn tiêm phòng nhằm chủng ngừa cho nhiều người càng nhanh càng tốt trước khi biến thể B.1.1.7 lây lan rộng hơn.
“Nếu Mỹ trải qua một làn sóng tương tự như đang chứng kiến ở Anh, ta có thể chứng kiến nhu cầu y tế chưa từng thấy với 175.000-193.000 ca nhập viễn mỗi ngày, vượt sa mức đỉnh điểm là 132.474 ca nhập viên do COVID-19 thiết lập hồi đầu tháng 1”, báo cáo khẳng định.
Báo cáo của nhóm Osterholm bổ sung: “Để duy trì năng lực y tế trong một làn sóng lây nhiễm biến thể B.1.1.7, chúng ta chỉ có thời gian hạn chế để nhắm mục tiêu tiêm chủng chiến lược tới những người có nguy cơ cao nhất nhập viện và tử vong trước khi làn sóng ập tới”.
Cho đến nay, theo CDC Mỹ, khoảng 44,5 triệu người Mỹ đã được tiêm phòng ít nhất 1 mũi vaccine COVID và không đầy 20 triệu người đã được tiêm 2 mũi.
Cả vaccine của Pfizer và Moderna đều được khuyến cáo tiêm 2 liều, cách nhau 3 hoặc 4 tuần, tuy nhiên báo cáo nói trên đề xuất trì hoãn mũi tiêm thứ hai để có thể dành vaccine tiêm cho nhiều người hơn nhằm đạt được ít nhất sự bảo vệ chưa hoàn toàn đầy đủ.
“Đây là một khe cửa hẹp và nhanh cơ hội để sử dụng hiệu quả vaccine và ngăn chặn hàng ngàn ca lây nhiễm nặng tiềm tàng, ca nhập viện và tử vong trong những tuần và những tháng sắp tới”, báo cáo viết.
Báo cáo nói trên cũng cho rằng FDA nên cân nhắc cấp phép sử dụng một nửa liều vaccine Moderna, dựa trên bằng chứng cho thấy ngay cả một nửa liều vaccine cũng cung cấp sự bảo vệ tốt, ít nhất là ban đầu.
Trong khi đó, Tiến sỹ Larry Corey, chuyên gia vaccine thuộc Đại học Washington, người dẫn đầu các cuộc thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID, cho rằng việc triển khai vaccine cho đến nay dường như đã bảo vệ người dân khỏi các biến thể virus. “Điều tuyệt vời cần nhớ là vaccine dường như đã tạo ra khả năng miễn dịch tốt hơn so với qua lây nhiễm tự nhiên. Đây là một bước tiến quan trọng”, ông Corey nói.