Trong một dấu hiệu phản ánh chính giới Mỹ đang dần thu hẹp bất đồng trong các chính sách tài chính, ngày 17/12, trong cuộc thảo luận giữa Tổng thống Barack Obama, đại diện cho đảng Dân chủ, và Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa John Boehner, hai bên đã để ngỏ những nhượng bộ trong vấn đề tăng thuế.
Thông báo của các trợ lý của hai đảng cho biết cuộc gặp kéo dài 45 phút tại Nhà Trắng tuy chưa đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cụ thể nào, nhưng với việc ông Bâunơ lần đầu tiên ngả theo hướng đồng ý chấp thuận tăng thuế đối với các gia đình có thu nhập từ 1 triệu USD/năm trở lên, thay vì từ 250.000 USD/năm như Nhà Trắng đề nghị, đã mở ra triển vọng có thể đi tới một giải pháp nhượng bộ nhằm vượt qua cái gọi là "vách đá tài chính" có nguy cơ đẩy nền kinh tế Mỹ tái rơi vào suy thoái. Đại diện của đảng Cộng hòa cũng đồng ý sẽ cho phép nâng trần nợ quốc gia để tránh cho chính phủ liên bang bị khánh kiệt về ngân sách do hết quyền vay nợ để chi tiêu.
Giới chức Mỹ lạc quan tránh được nguy cơ va vào "vách đá tài chính". Ảnh: Internet |
Trong khi đó, Tổng thống Obama đang cân nhắc việc tăng thuế đối với những hộ gia đình có thu nhập từ 400.000 USD/năm, thay vì 250.000 USD/năm như trước đây ông từng đề xuất. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng tỏ ý sẵn sàng xem xét việc cắt giảm ngân sách cho các chương trình an sinh xã hội như chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (Medicare) và một số chương trình chính phủ khác trong tương lai.
Về thâm hụt ngân sách, Tổng thống Obama cũng đưa ra quan điểm gần hơn với ông Boehner về tỷ lệ gói cắt giảm thâm hụt ngân sách trong vòng 10 năm, theo hướng tăng nguồn thu, thay vì phản đối cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Ông Obama nay sẵn sàng chấp nhận số thu ở mức 1.200 tỷ USD, giảm so với đề xuất 1.400 tỷ USD trước đây. Đề xuất mới nhất của ông Boehner là nguồn thu mới từ thuế ở mức 1.000 tỷ USD, thông qua tăng thuế và hạn chế các khoản khấu trừ dành cho tầng lớp giàu nhất.
Bình luận về những động thái này, Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Chris Van Hollen, một thành viên trong ban lãnh đạo Hạ viện, cho biết ông đã nhìn thấy 50% khả năng Nhà Trắng và Quốc hội sẽ đạt được một thỏa thuận trước tháng 1/2013 để ngăn chặn nhiều loại thuế đồng loạt gia tăng và ngân sách các bộ, ngành tự động cắt giảm khi các đạo luật hiện hành hết hiệu lực vào ngày cuối cùng của năm 2012. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Harry Reid hy vọng tình trạng bế tắc tài chính kéo dài một năm qua do yếu tố bầu cử, có thể sẽ được giải quyết sau dịp nghỉ lễ Giáng sinh cuối tuần này. Tuy nhiên, không ít nghị sỹ của đảng Cộng hòa vẫn lo ngại về chiếc ghế của họ trong các kỳ bầu cử tới nếu trong thỏa thuận giữa Nhà Trắng và Quốc hội có điều khoản tăng thuế đối với thiểu số 2% những người giàu có nhất nước Mỹ, nền tảng chính trị truyền thống của đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Tổng thống Obama tin tưởng sẽ đạt được một giải pháp cân bằng về chính sách tài chính trong bối cảnh chỉ còn hai tuần lễ nữa chương trình tăng thuế và cắt giảm chi tiêu bắt đầu có hiệu lực. Các quan chức tham gia cuộc thảo luận cũng tỏ ra lạc quan về một thỏa thuận chung mà Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Quốc hội có thể thống nhất nhằm giúp nước Mỹ tránh va vào "vách đá tài chính". Tờ "Bưu điện Oasinhtơn" ("Washington Post") số ra ngày 17/12 nhận định hai bên đang dần thu hẹp những bất đồng và nhiều khả năng sẽ đi đến một thỏa thuận chung, theo đó tăng nguồn thu thuế mới lên 1.000 tỷ USD và cắt giảm chi tiêu 1.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Những tiến triển tích cực trong đàm phán ngân sách Mỹ sau nhiều tuần lâm vào bế tắc đã khiến chứng khoán Mỹ tăng mạnh phiên đầu tuần, khi các nhà đầu tư lạc quan về một thỏa thuận giữa các nhà hoạch định chính sách Mỹ trong vài ngày tới. Chốt phiên giao dịch ngày 17/12, chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 16,78 điểm, tương đương 1,2%, lên 1.430,36 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 100,38 điểm, tương đương 0,8%, đóng cửa ở mức 13.235,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 39,27 điểm, tương đương 1,3%, chốt phiên ở mức 3.010,6 điểm.
Theo ước tính, tổng thâm hụt ngân sách của Mỹ tài khóa 2012, vừa kết thúc ngày 31/9 vừa qua, là 1.089 tỷ USD so với 1.297 tỷ USD của tài khóa 2011 và 1.410 tỷ USD năm 2009 khi Tổng thống Obama lên cầm quyền nhiệm kỳ đầu tiên. Hiện tại, cán cân thu chi ngân sách hàng tháng của Chính phủ Mỹ thường bị thâm hụt từ 100 tỷ đến 125 tỷ USD. Bộ Tài chính thông báo hiện tại chính phủ liên bang chỉ còn được quyền vay 62,5 tỷ USD là chạm mức trần nợ công 16.394 tỷ USD đã được Quốc hội cho phép. Văn phòng Ngân sách Quốc hội cảnh báo nếu Nhà Trắng và Quốc hội không nhượng bộ để thông qua chính sách thuế và chi tiêu tài chính, kinh tế Mỹ sẽ có thể rơi vào một cuộc suy thoái mới ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2013.
TTXVN/Tin tức