Washington cáo buộc Canada đã phá vỡ thỏa thuận mở cửa một phần thị trường sữa vốn được bảo hộ của mình cho hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai thông báo Washington sẽ kiện Ottawa ra cơ quan giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ USMCA, Thủ tướng Justin Trudeau đã cam kết Canada sẽ tự vệ.
Đây là động thái mới nhất trong một chuỗi các điểm xích mích giữa Mỹ và Canada, đồng thời cũng là lời nhắc nhở rằng, bất chấp lời hứa của Tổng thống Biden sẽ cải thiện quan hệ với các đồng minh của Mỹ, những yếu tố gây bất hòa vẫn tồn tại trong mối quan hệ song phương này.
Đây cũng là chương mới nhất trong câu chuyện dài về hệ thống quản lý nguồn cung của Canada - được áp dụng với mục tiêu bảo vệ nông dân chăn nuôi bò sữa Canada trước sự cạnh tranh của nước ngoài.
Theo bà Tai, quyết định trên của Mỹ sẽ đảm bảo ngành sữa của Mỹ và lực lượng lao động trong ngành có thể nắm bắt các cơ hội mới trong khuôn khổ USMCA để tiếp thị và bán các sản phẩm của Mỹ cho người tiêu dùng Canada.
"Trận chiến" này diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền của Tổng thống Biden đề xuất tăng thuế trừng phạt đối với gỗ xẻ nhập khẩu từ Canada. Cho đến nay, ông Biden cũng từ chối can thiệp vào nỗ lực của bang Michigan nhằm đóng cửa Line 5 (một đường ống dẫn năng lượng xuyên biên giới với Mỹ, do công ty Enbridge của Canada vận hành); hoặc cho Canada được miễn trừ các quy định cứng rắn trong chính sách Mua hàng Mỹ.
Theo cơ chế quản lý nguồn cung, Canada đánh thuế lên tới 300% đối với hàng nhập khẩu nước ngoài. Đây là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán giữa chính quyền cựu Tổng thống Trump và chính quyền Thủ tướng Trudeau để thay thế NAFTA phiên bản cũ bằng USMCA. Trong khuôn khổ USMCA, Canada đã đồng ý nới lỏng hệ thống này bằng cách cho phép nhập khẩu nhiều hơn mà không bị áp thuế cao. Nhưng Mỹ hiện cho biết Canada dành nhiều giấy phép nhập khẩu cho các nhà chế biến sữa của Canada - thường có xu hướng mua nhiều từ các nhà sản xuất Canada hơn là nhập khẩu từ các nước khác.
Cuộc chiến về sữa cũng sẽ là thử nghiệm đầu tiên đối với hệ thống giải quyết tranh chấp của USMCA. Nếu ban hội thẩm không đứng về phía Canada, Ottawa sẽ phải thay đổi các hoạt động của mình hoặc đối mặt với các mức thuế trả đũa từ Mỹ.
NAFTA phiên bản mới có hiệu lực vào ngày 1/7/2020, bao trùm ba nền kinh tế Bắc Mỹ với tổng GDP hơn 24.000 tỷ USD và dân số 495 triệu người. Năm 2019, tổng giá trị trao đổi hàng hóa giữa ba nước đạt gần 1.500 tỷ CAD (1.245 tỷ USD).