Dẫn các nguồn tin biết rõ về vấn đề trong chính phủ, báo Mỹ Miami Herald ngày 26/10 cho biết Washington đã không thể thuyết phục bất kỳ đồng minh nào dẫn đầu một cuộc can thiệp quân sự quốc tế vào Haiti đang chìm trong bạo lực. Thậm chí ngày cả chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đang lưỡng lự với kế hoạch điều quân tới Haiti, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra chỉ trong hai tuần nữa.
Theo Miami Herald, các quan chức đang tranh luận về việc có nên hủy bỏ dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về việc kêu gọi triển khai lực lượng phản ứng nhanh đa quốc gia tới Haiti vì hiện không có quốc gia nào đồng ý triển khai quân. Pháp, Canada và Brazil là một trong số các đồng minh của Mỹ phản đối kế hoạch này.
“Không có tiến triển nào trong việc kêu gọi các đồng minh tự nguyện”, nguồn tin nhận định đây là một “thất bại ngoại giao” của chính phủ Washington.
Kế hoạch của Mỹ là thúc giục các nước cử binh sĩ đến Haiti, cũng như hỗ trợ trang bị và huấn luyện cho họ. Tuy nhiên, các đồng minh đã cảm thấy thất vọng khi Washington từ chối đóng góp một số lực lượng của mình, trong khi một số thành viên HĐBA LHQ yêu cầu cần có kế hoạch chắc chắn bằng văn bản trước khi biểu quyết bất kỳ nghị quyết nào về Haiti. Ít nhất hai thành viên khác trong HĐBA LHQ là Nga và Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về đề xuất can thiệp.
Tuần trước, Phó đại diện thường trực của Moskva tại LHQ ông Dmitry Polyansky phát biểu: “Việc can thiệp vào các tiến trình chính trị ở Haiti, đưa đất nước vào tầm kiểm soát theo tham vọng của những bên vốn coi châu Mỹ là sân trong của họ, là điều không thể chấp nhận được”.
Haiti đang chìm trong cuộc khủng hoảng chưa từng có. Kể từ giữa tháng 9 năm nay, các băng nhóm tội phạm đã chặn đường tiếp cận các cơ sở hạ tầng cơ bản như cảng dầu và làm tê liệt các dịch vụ thiết yếu như cấp nước, dọn vệ sinh và hệ thống y tế. Các chuyên gia nhận định đây có thể chính là những nguyên nhân khiến dịch tả bùng phát trở lại ở nước này vào đầu tháng 10, khiến hàng nghìn người tử vong.
Đầu tháng 10, Thủ tướng Haiti Ariel Henry và 18 thành viên trong nội các đã yêu cầu quân đội nước ngoài hỗ trợ đẩy lùi các băng đảng và khôi phục dòng chảy cung cấp thực phẩm, nhiên liệu. Những người biểu tình đã chặn đường, chỉ trích giá nhiên liệu tăng và yêu cầu Thủ tướng Henry từ chức.