Khoảng 60 quả tên lửa được phóng từ tàu chiến của hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố việc Mỹ không còn “kiên nhẫn chiến lược” với Bình Nhưỡng không góp phần vào giải quyết khủng hoảng, đồng thời hy vọng sẽ không có chuyện Mỹ lặp lại cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên như ở Syria.
“Tôi hy vọng rằng sẽ không có những hành động đơn phương như chúng ta vừa thấy ở Syria và rằng Mỹ sẽ tuân theo các chính sách mà ông Trump nhiều lần tuyên bố trong chiến dịch tranh cử”, Ngoại trưởng Lavrov nói, sau tuyên bố của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/4 rằng Bình Nhưỡng nên nhìn những gì Mỹ đã từng làm ở Syria và Afghanistan. Ông Mike Pence, trong chuyến thăm Hàn Quốc, nói rằng thế giới đã chứng kiến “sức mạnh và quyết tâm (của Tổng thống Trump) trong các hành động ở Syria và Afghanistan”. Ông Pence cảnh báo Triều Tiên đừng khiêu khích quyết tâm này hay “sức mạnh các lực lượng vũ trang của Mỹ”.
Trong cuộc họp báo tại Moskva ngày 17/4, Ngoại trưởng Nga cảnh báo Mỹ không tiến hành bất cứ hành động quân sự nào và nhấn mạnh rằng “những nỗ lực hạt nhân và tên lửa nguy hiểm của Bình Nhưỡng” vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhưng điều này không thể được sử dụng để làm cái cớ vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc “theo cùng một cách” như Mỹ làm ở Syria.
Trong khi đó, đề cập tới cam kết của quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn “thực thi các biện pháp trừng phạt” nhằm vào Bình Nhưỡng trong trường hợp có “sự khiêu khích”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng những tuyên bố gay gắt không góp phần tạo nên hòa bình và ổn định ở khu vực.
Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang lên đến đỉnh điểm, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo trong lúc các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra hồi tháng 3. Ngày 10/4, tàu sân bay USS Carl Vinson chủ lực của nhóm tàu tấn công đã hướng tới Bán đảo Triều Tiên thể hiện sự sẵn sàng của Mỹ cho "các tình huống khác nhau".
Triều Tiên đã thúc giục Mỹ chấm dứt "cơn thịnh nộ của quân đội" hoặc phải đối mặt với một phản ứng tàn nhẫn nếu "tiếp tục khiêu khích." Hôm 16/4, Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử tên lửa khác được cho là không thành công.
Vụ tấn công bất ngờ bằng tên lửa Tomahawk theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump xuống căn cứ không quân Syria trước đó hôm 6/4, cộng với việc Mỹ đang gia tăng gấp đôi các hoạt động đe doạ quân sự đã dẫn đến những đồn đoán rộng rãi rằng Bình Nhưỡng có thể là mục tiêu tiếp theo của một hành động quân sự đơn phương… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một đòn tấn công tương tự với Triều Tiên sẽ không dễ dàng như vậy.
Về mặt kỹ thuật, Bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Chiến sự đã kết thúc vào ngày 27/7/1953 theo một Hiệp định đình chiến ký giữa Washington và Bắc Kinh. Nếu Mỹ kích hoạt một vụ tấn công, chính họ sẽ phá vỡ thoả thuận đã được Liên hợp quốc xác nhận này.
Bên cạnh đó, Syria được cho là mới đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã thuần thục hơn trong những năm gần đây. Triều Tiên cũng trải qua một loạt thất bại trong các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan hồi năm ngoái, nhưng các chuyên gia quân sự tin rằng, họ đã rút được bài học từ những thất bại đó và có thể phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân phóng tới Mỹ trong vòng 4 năm tới - ngay trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.