Trong nội dung đăng trên Twitter, Tổng thống Ghani cho biết trong một cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thông báo Taliban đã đưa ra một đề xuất "liên quan việc giảm bạo lực một cách đáng kể và lâu dài”. Tuy nhiên, ông Ghani không cho biết chi tiết về đề xuất này. Lãnh đạo Afghanistan nhận định khả năng đàm phán giữa Mỹ và Taliban sẽ đạt được đột phá.
Trong khi đó, hãng tin AP dẫn một nguồn tin thạo tin giấu tên cho biết các đại diện của Mỹ và Taliban đã gần đạt một thỏa thuận tạm thời về giảm bạo lực tại Afghanistan. Theo đó, các lực lượng Mỹ và Taliban hạn chế các chiến dịch hoặc các vụ tấn công trong 7 ngày.
Nếu việc giảm bạo lực được duy trì, Mỹ và Taliban sẽ ký một thỏa thuận để khởi động các cuộc đối thoại giữa Taliban và các đại diện người Afghanistan trên cả nước, trong đó có một số người giữ các chức vụ trong chính phủ nhưng không đại diện cho chính phủ. Phiến quân Taliban hiện vẫn từ chối đàm phán với Chính phủ Afghanistan.
Mỹ và Taliban đã tiến hành đàm phán tại Doha (Qatar) từ tháng 1 vừa qua. Hãng Reuters dẫn một số nguồn thạo tin đề nghị giấu tên cho biết thủ lĩnh hàng đầu của Taliban đồng ý sẽ thực hiện ngừng bắn 10 ngày một khi thỏa thuận hòa bình được ký kết tại Doha và sẽ giảm các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu liên quan Chính phủ Afghanistan.
Tháng 9 năm ngoái, Mỹ và Taliban đã gần như chuẩn bị thông báo thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm qua, song Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hoãn tiến trình này với lý do Taliban gây bạo lực. Ba tháng sau đó, các cuộc đàm phán đã được tái khởi động tại Qatar, nhưng cũng đã bị gián đoạn sau vụ tấn công gần căn cứ quân sự Bagram của Mỹ ở Afghanistan.
Thỏa thuận được Mỹ và Taliban thảo luận gồm 4 vấn đề chính: Taliban đảm bảo sẽ không để cho các nhóm khủng bố và thánh chiến sử dụng Afghanistan làm nơi ẩn náu để tiến hành các vụ tấn công; các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan; đối thoại giữa các bên tại Afghanistan và thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.