Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Nhưng nếu tính trên dân số, một số nước châu Âu - trong đó có Pháp, Italy và Tây Ban Nha - ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu của Đại học Massachusetts, kết hợp 9 mô hình dịch tễ để đưa ra kết quả, dự kiến số ca tử vong tại Mỹ có thể lên tới 127.000 người tính đến ngày 27/6. Các chuyên gia y tế cũng bày tỏ lo ngại các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối phân biệt chủng tộc có thể làm số ca nhiễm tăng mạnh trong thời gian tới.
Nhìn chung, dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm bớt tại Mỹ. Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 4/6 thông báo một kế hoạch cho phép các nhà hàng phục vụ ăn uống ngoài trời khi thành phố được dỡ bỏ phong tỏa.
Thành phố New York sẽ bước vào giai đoạn một mở cửa trở lại từ ngày 8/6 tới, và việc phục vụ ăn uống ngoài trời sẽ được phép trong giai đoạn 2, sớm nhất là từ tháng 7. Khoảng 10 vùng khác ở bang New York đã bước sang giai đoạn 2 nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng thành phố New York là vùng duy nhất trong bang này vẫn trong lệnh "tạm dừng", theo đó mọi doanh nghiệp thuộc diện không thiết yếu vẫn phải đóng cửa.
Trong khi đó, các casino tại Las Vegas ngày 4/6 đã được hoạt động trở lại sau 11 tuần đóng cửa do dịch. Khách được khuyến khích đeo khẩu trang và nhiều casino đã thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt. Việc nối lại hoạt động của các casino là cú hích lớn cho nền kinh tế bị tác động nặng nề của Las Vegas, vốn phụ thuộc vào du lịch và phải chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp lên tới 33,5% trong tháng 4 vừa qua.
Dù nền kinh tế Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 được dự báo sẽ rất cao và các chuyên gia kinh tế lo ngại phải sẽ mất nhiều tháng mới phục hồi. Hơn 21 triệu người đã mất việc trong tháng 3 và 4, khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số 1 thế giới này lên tới gần 15%, và tình trạng này sẽ tiếp diễn trong tháng 5. Theo số liệu của chính phủ, Mỹ có thể chứng kiến thêm 8,5 triệu chỗ làm bị hủy bỏ, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 20% hoặc cao hơn. Đây là mức cao chưa từng thấy tại Mỹ trong một thế kỷ qua.
Trong khi Bộ trưởng Lao động Mỹ Eugene Scalia bày tỏ tin tưởng rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 10% vào cuối năm nay, các chuyên gia kinh tế tỏ ra kém lạc quan hơn. Chuyên gia Mickey Levy, tại nhóm phân tích Thị trường vốn Berenberg cho biết: "Khi nền kinh tế mở cửa lại, việc làm sẽ tăng ban đầu do các doanh nghiệp tái sử dụng những nhân viên đang nghỉ phép và nghỉ việc, nhưng sẽ phải mất nhiều năm để đạt đến tỷ lệ thất nghiệp thấp từ trước khủng hoảng vì một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa vĩnh viễn và nhiều doanh nghiệp khác phải vận hành ở mức giảm thiểu". Chuyên gia này dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ có thể giảm xuống 9,6% vào cuối năm 2021, vẫn cao gấp 3 lần tỷ lệ trước khủng hoảng.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, một cuộc khảo sát hàng tuần của Cục điều tra dân số (Census Bureau) cho thấy 119 triệu người Mỹ, tương đương 48% trong độ tuổi từ 18 trở lên, cho biết đã giảm thu nhập kể từ ngày 13/3, thời điểm Tổng thống Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về đại dịch.
Phần lớn người Mỹ sống trong các hộ gia đình kiếm được ít hơn 100.000 USD/năm cho biết họ mất thu nhập kể từ giữa tháng 3, bao gồm phần lớn những người kiếm được ít hơn 35.000 USD/năm. Các hộ gia đình da màu gốc Phi và Mỹ Latinh là những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng liên quan đến vấn đề này, và phần lớn những người không có bằng cử nhân của hai nhóm đối tượng này cho biết họ đã mất việc.
Khoảng 10% người Mỹ được hỏi cho biết đã trải qua tình trạng thiếu thực phẩm trong tuần trước. Tỷ lệ này cao hơn - với khoảng 14% - trong số các hộ gia đình bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi. Trong số các hộ gia đình người Mỹ gốc Phi có trẻ nhỏ, gần 23% cho biết họ đôi khi hoặc thường xuyên không đủ ăn. Trong các hộ gia đình gốc Mỹ Latinh có trẻ em, con số đó chiếm 18%, so với chỉ 9% của các hộ gia đình da trắng.