Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong một thông báo cùng ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Jackson Mthembu nêu rõ tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia mà Thổng thống Cyril Ramaphosa công bố hôm 15/3 sẽ kết thúc vào ngày 15/6 tới, do vậy quyết định gia hạn thêm 1 tháng là việc làm cần thiết vào thời điểm hiện tại nhằm tăng cường công tác ứng phó với dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp được thông qua giữa lúc Tòa thượng thẩm Bắc Gauteng đưa ra phán quyết rằng các quy định liên quan đến lệnh phong tỏa mà Chính phủ Nam Phi đang áp dụng là vi hiến và vô căn cứ. Trong phán quyết đưa ra hôm 3/5, Thẩm phán Norman Davis cho rằng các quy định trên đã vi phạm quyền tự do của công dân và yêu cầu chính phủ phải tiến hành sửa đổi trong vòng 14 ngày.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Jackson Mthembu cho rằng các quy định trong lệnh phong tỏa mà nước này đang áp dụng là hoàn toàn hợp pháp, do đó chính phủ nước này sẽ thực hiện việc kháng cáo đối với những phán quyết trên.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Y tế Nam Phi, riêng trong ngày 4/6, nước này đã ghi nhận thêm 3.267 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 – số ca nhiễm kỷ lục trong 24h kể từ khi nước này thông báo ca đầu tiên hôm 3/5, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 40.792 người, trong đó có 848 ca tử vong.
Nam Phi bước sang ngày thứ 70 áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc do đại dịch COVID-19. Bắt đầu từ hôm 1/6, nước này đã nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 4 xuống cấp độ 3 nhằm khôi phục hoạt động của một số lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Cũng từ thời điểm này, các chuyến bay nội địa đã được phép hoạt động trở lại.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/6, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi cho rằng đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng thế giới cần đoàn kết và hành động nhanh chóng nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này đồng thời tìm kiếm vắc-xin. Theo nhà lãnh đạo Ai Cập, vắc-xin ngừa COVID-19 nên được cung cấp cho tất cả các nước theo nguyên tắc công bằng.
Trong bài phát biểu được ghi lại tại Hội nghị trực tuyến vắc-xin toàn cầu do Anh tổ chức diễn ra cùng ngày, Tổng thống Ai Cập nêu rõ: “Bảo vệ người dân khỏi sự bùng phát của dịch bệnh này là trách nhiệm của toàn thế giới”. Ông Sisi cho biết thêm rằng Ai Cập đang tiến hành các thí nghiệm và hợp tác khoa học trong lĩnh vực này thông qua các cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia nhằm tìm ra một loại vắc-xin phòng ngừa virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19. Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh rằng Cairo sẵn sàng chung tay với các nước để giảm nhẹ hậu quả do đại dịch gây ra.
Ngoài ra, ông Sisi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần lưu ý tới những căn bệnh truyền nhiễm khác mà thế giới đã từng trải qua để ngăn ngừa sự lây lan. Tổng thống Sisi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy những nỗ lực chung nhằm cung cấp vắc-xin và nối lại các chiến dịch tiêm vắc-xin phòng ngừa các căn bệnh gây chết người. Ông cũng khẳng định sự sẵn sàng của Ai Cập trong việc truyền đạt và chia sẻ kinh nghiệm về triển khai các chương trình tiêm chủng, vốn có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong của trẻ nhỏ. Ai Cập đang tham gia vào công tác nghiên cứu và sản xuất các vắc-xin, đào tạo đội ngũ y tế và thực hiện các thử nghiệm lâm sàng đối với các loại vắc-xin mới.
Bộ Y tế Ai Cập cùng ngày thông báo đã phát hiện thêm 1.152 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở quốc gia Bắc Phi lên 29.767 người. Tính đến nay, tổng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 ở Ai Cập hiện là 1.126 người sau khi có thêm 38 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 4/6. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 406 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi bệnh và được ra viện, qua đó nâng tổng số trường hợp đã bình phục lên 7.756 người.