Động thái này nhắm tới Trung Quốc và một số nền kinh tế tương đối giàu có khác trong WTO, vốn được cho là đang hưởng lợi rất nhiều từ sự phân định này.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nêu rõ WTO vẫn sử dụng kiểu phân đôi đã lỗi thời giữa những "nước phát triển" và "đang phát triển", điều đã mang lại những lợi thế bất công cho một số thành viên WTO. Theo tuyên bố này, nếu trong vòng 90 ngày những quy định WTO không có sự cải thiện đáng kể, Washington sẽ yêu cầu Đại diện Thương mại của nước này ngừng đối xử với những thành viên WTO này như các nền kinh tế đang phát triển.
Tuyên bố chỉ ra hàng loạt nền kinh tế được hưởng lợi từ quy chế “nền kinh tế đang phát triển”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới Trung Quốc. Theo tuyên bố, 7 trong số 10 nền kinh tế giàu có nhất thế giới tính theo GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) hiện được xếp hạng "đang phát triển" là Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Kuwait, Macao (Trung Quốc), Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Trong khi đó, 3 nước thành viên thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) là Mexico, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hưởng quy chế này.
Bản ghi nhớ cung cấp thêm nhiều chi tiết hơn về những khiếu nại thường xuyên của ông Trump. Theo Tổng thống Mỹ, nhiều quốc gia có thị trường mới nổi như Trung Quốc đã lợi dụng vị thế của họ là các nền kinh tế đang phát triển theo quy định của WTO, cho phép họ duy trì mức thuế cao hơn và các rào cản thương mại khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Các nước được WTO xác định thuộc nhóm “đang phát triển” có thời hạn dài hơn để thực hiện các cam kết thương mại tự do, cũng như được phép bảo vệ một số ngành công nghiệp trong nước và duy trì trợ cấp. Chính quyền của Tổng thống Trump từ lâu đã phàn nàn rằng các quy định này của WTO là không công bằng đối với Mỹ.
Mỹ đã làm việc với Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng và cố gắng thúc đẩy cải cách các quy tắc của WTO nhằm kiềm chế những khoản trợ cấp của chính phủ cùng hoạt động kinh tế phi thị trường khác. Nhưng việc thay đổi các quy định của WTO là một quá trình rất khó khăn vì nó yêu cầu tất cả 164 quốc gia thành viên phải đồng thuận về bất kỳ sự thay đổi nào.
Hiện chưa rõ Mỹ sẽ yêu cầu WTO thay đổi chính sách như thế nào, song dường như những tuyên bố trên nhằm mở cánh cửa để Washington có thể áp thêm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và các nước khác.