Khi được hỏi về khả năng Mỹ sẽ trừng phạt các nước châu Âu nếu những nước này làm ăn với Iran, ông Trump khẳng định: "Tất nhiên, đó là những gì chúng tôi sẽ làm. Chắc chắn là vậy".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN |
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã tuyên bố rằng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký với các cường quốc trong nhóm P5+1 cách đây 3 năm, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), và khôi phục các biện pháp trừng phạt rộng rãi nhằm vào Iran, trong đó có các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại các thể chế tài chính của những nước thứ ba giao dịch với Tehran.
Ngay sau thông báo trên, Bộ Tài chính Mỹ cho biết giấy phép cấp cho các tập đoàn Boeing và Airbus để bán máy bay cho Iran sẽ bị thu hồi. Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 thực thể Thổ Nhĩ Kỳ vốn giúp các hãng hàng không Iran bị trừng phạt mua thiết bị và phụ tùng. Trong bối cảnh tiêu cực như vậy, một số công ty của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ hoặc có thể ngừng hoạt động kinh doanh với Iran.
Trong một diễn biến mới nhất liên quan, ngày 1/7, phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ cho biết hiện các doanh nghiệp Thụy Sĩ đang làm ăn, hợp tác với Iran, đã bước đầu hạn chế các khoản đầu tư trong khi chờ đợi các quyết sách của Hội đồng Liên bang (Chính phủ Thụy Sĩ) về khả năng một lệnh cấm vận. Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp khác lại đẩy nhanh việc giao hàng cho phía Iran trước khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia Trung Đông này.
Caran d'Ache, nhà sản xuất bút chì, đã loại Iran khỏi danh sách các khách hàng của mình và không có kế hoạch sớm nối lại xuất khẩu. Tại Geneva, Ngân hàng thương mại và đầu tư (BCP) đã ngừng mọi giao dịch với Iran kể từ ngày 8/5, mặc dù ngân hàng này từng là một trong những bên trung gian chính giữa các nhà đầu tư và Iran.
Tuy nhiên, một trung tâm xúc tiến ngoại thương của Thụy Sĩ cho rằng những quyết định rút lui này là quá sớm. Bà Sylvain Jaccard, Giám đốc khu vực nói tiếng Pháp của Switzerland Global Enterprise, cơ quan hoạt động theo ủy nhiệm của Liên bang Thụy Sĩ, kêu gọi các doanh nghiệp bình tĩnh, đồng thời cho rằng vẫn còn thời gian đến tháng 11 để cân nhắc việc thực thi hoàn toàn các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trong bối cảnh này, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đến Thụy Sĩ vào ngày 2/7 sẽ là sự kiện thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp liên quan. Dự kiến, thỏa thuận hạt nhân Iran và tình hình Trung Đông sẽ là các chủ đề chính trong chương trình nghị sự của lãnh đạo Iran và Thụy Sĩ.
Ngoài ra, Tổng thống Iran cũng sẽ có các cuộc gặp với các quan chức cấp cao khác của Thụy Sĩ. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Rouhani, hai bên dự kiến sẽ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác.
Thông cáo của Thụy Sĩ về chuyến thăm chính thức của Tổng thống Rouhani tại nước này cho thấy Iran là một đối tác kinh tế quan trọng của Thụy Sĩ. Về mặt ngoại giao, Thụy Sĩ đại diện cho các lợi ích của Mỹ, Saudi Arabia tại Iran và đại diện cho lợi ích của Iran tại Saudi Arabia.