Mỹ đánh giá thiệt hại vụ bê bối giám sát Internet

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở một cuộc điều tra nội bộ để đánh giá những tổn thất có thể có do vụ rò rỉ thông tin mật từ Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) về chương trình thu thập thông tin của những người sử dụng Internet, gọi tắt là PRISM.

Giới chức Mỹ cho biết cuộc điều tra nhằm xem xét vụ tiết lộ chương trình tuyệt mật này có phải là hành vi phạm pháp và gây thiệt hại cho an ninh quốc gia hay không. Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NBC, Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper cũng đã đề nghị mở cuộc điều tra hình sự, cho rằng tiết lộ này đã gây tổn thất khổng lồ cho ngành tình báo Mỹ.

Nhà mạng Verizon Wireless đã cung cấp cho NSA những thông tin về mọi cuộc gọi điện thoại của khách hàng. Ảnh: The Washington Post


Nhà Trắng quyết định mở cuộc điều tra sau khi một nhóm thượng nghị sĩ và các công ty công nghệ của Mỹ hối thúc chính phủ công bố thêm nữa về các chương trình tuyệt mật. Một quan chức tình báo cấp cao cho biết cuộc điều tra nội bộ này, được tiến hành riêng rẽ với cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ cũng về vụ tiết lộ chương trình PRISM, sẽ xác định liệu việc tiết lộ này có ảnh hưởng xấu đến các nguồn cung cấp và phương pháp giám sát thông tin trên Internet hay không.

Ngày 9/6, một cựu trợ lý kỹ thuật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã khẳng định mình là người cung cấp các thông tin nhạy cảm liên quan đến PRISM, chương trình mà chính quyền Tổng thống Obama nói là nhằm bảo vệ nước Mỹ trước những nguy cơ tấn công khủng bố và nhiều hiểm họa khác.

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng khẳng định PRISM đã phải thông qua sự chấp thuận của tòa án để đảm bảo rằng chương trình này chỉ được áp dụng đối với những cá nhân không phải công dân Mỹ và sống bên ngoài lãnh thổ Mỹ. Những quy định chặt chẽ này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra việc thu thập, lưu giữ và phát tán dữ liệu cá nhân của các công dân Mỹ

Trong khi đó, theo cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos thực hiện từ ngày 9-11/6, gần một nửa số người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng việc chính quyền giám sát thông tin trên Internet là chấp nhận được nếu nó được thực hiện một cách có giới hạn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có rất ít người dân Mỹ tỏ ra không hề lo ngại hay bối rối trước những thông tin nói rằng NSA bí mật theo dõi các cuộc điện thoại và hoạt động trên Internet của hàng triệu người Mỹ, trong khi hơn 1/3 số người được hỏi nói rằng việc này là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, một liên minh gồm nhà mạng và các nhóm dân sự ngày 11/6 đã phát động chiến dịch phản đối chương trình theo dõi trực tuyến khổng lồ của Mỹ vừa được tiết lộ tuần trước. Liên minh này thành lập một trang web có tên StopWatching.us, đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ mở một cuộc điều tra toàn diện và hối thúc các quan chức Mỹ tiết lộ thêm thông tin về chương trình theo dõi Internet khổng lồ của NSA.

Trong khi đó, các giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang rà soát những chương trình giám sát thông tin trên Internet của Mỹ xem chúng có vi phạm những quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của các công dân EU hay không. Brussels cam kết sẽ tìm ra câu trả lời từ các nhà ngoại giao Mỹ trong một cuộc họp cấp bộ trưởng vào tuần này ở Dublin, thủ đô Ireland.

Từ Berlin, Chính phủ Đức ngày 11/6 tuyên bố nước này có kế hoạch gửi các câu hỏi tới chính quyền Mỹ liên quan tới những phát giác rằng Washington đang triển khai chương trình giám sát mạng Internet toàn cầu. Trong một cuộc họp báo công bố báo cáo năm 2012 của Cơ quan Tình báo nội địa Đức, Bộ trưởng Nội vụ nước này Hans-Peter Friedrich cho biết Đức đã soạn thảo một danh sách các câu hỏi như về quy mô, lý do của hoạt động theo dõi mạng.

Trước đó, ngày 6/6, nước Mỹ bị chấn động bởi thông tin về sự tồn tại của PRISM do NSA xây dựng cách đây 6 năm, một chương trình cho phép truy cập thư điện tử thu thập các cuộc nói chuyện video, âm thanh, hình ảnh, tài liệu… từ máy chủ trung tâm của 9 công ty mạng Internet hàng đầu của Mỹ là Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, AOL, Skype, YouTube, Apple và PalTalk. Vụ tiết lộ này được tờ "Người bảo vệ” (Anh) và báo "Bưu điện Washington" (Mỹ) đăng tải, đã làm dấy lên những lo ngại liên quan đến tự do mạng và rò rỉ thông tin cá nhân.


TTXVN/Tin tức

Làm thế nào Snowden tiếp cận tài liệu tối mật?
Làm thế nào Snowden tiếp cận tài liệu tối mật?

Giới chức Mỹ đang điều tra xem làm thế nào mà một nhân viên nhà thầu IT cấp thấp như Edward Snowden lại có thể tiếp cận được các tài liệu tối mật, vốn chỉ được một nhóm nhỏ các nhân vật “vòng trong” mới được biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN