Làm thế nào Snowden tiếp cận tài liệu tối mật?

Giới chức Mỹ đang điều tra xem làm thế nào mà một nhân viên nhà thầu IT cấp thấp như Edward Snowden lại có thể tiếp cận được các tài liệu tối mật, vốn chỉ được một nhóm nhỏ các nhân vật “vòng trong" mới được biết.


Snowden có thể truy cập từ password của một quan chức cấp cao nhờ anh ta trợ giúp về công nghệ thông tin.


“Quả bom” Snowden đã tiết lộ về chương trình theo dõi internet toàn cầu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), trong đó có cả mật lệnh của Tòa án Giám sát tình báo hải ngoại (FISA), cơ quan luôn giữ bí mật các tài liệu của mình trong hơn 3 thập kỷ.

“Đó là những tài liệu được bảo vệ cực kỳ cẩn thận”, Robert Deitz, người từng giữ cương vị trưởng cố vấn cho NSA và CIA, và hiện là giáo sư về chính sách công chúng tại trường đại học George Mason, phát biểu với AFP.

Theo giáo sư Deitz, chỉ có không đầy 100 người được phép tiếp cận một lệnh như vậy của FISA. “Tại sao anh ta lại có thể tiếp cận những ‘món phục sức quý’ như vậy”, ông Deitz đặt câu hỏi về Snowden, một người đàn ông không hề có bằng cấp đại học hay trải qua bất cứ khóa huấn luyện tình báo nào.

Quy mô của những thông tin mà Snowden phơi bày, bao phủ nhiều chương trình khác nhau, đã dấy lên khả năng người này có thể vượt cấp để tiếp cận các tài liệu mật.

“Tôi nghĩ khả năng cao là anh ta đã vượt qua giới hạn của mình. Có thể Snowden đã giúp một số nhân vật cấp cao về công nghệ thông tin, sau đó đã truy nhập qua mã khóa của rngười đó”, ông Cedric Leighton, đại tá không quân nghỉ hưu và là một cựu phó giám đốc huấn luyện tại NSA, phán đoán.

Những tiết lộ của Snowden với tờ Guardian (Anh) và Washington Post (Mỹ) khác hẳn so với vụ Bradley Manning, quân nhân Mỹ hiện đang bị xét xử vì tội hoạt động gián điệp sau vụ tiết lộ kho bí mật khổng lồ cho WikiLeaks.

Từng là một nhà phân tích tình báo tại Iraq, Manning có khả năng truy nhập, rà soát hệ thống điện tín ngoại giao mật và các báo cáo tình báo quân sự, sau đó chuyển cho WikiLeaks.

Người ủng hộ Snowden trên quảng trường Union ở New York.


Sau loạt vụ tấn công 11/9/2001, các nhà lập pháp Mỹ đã chỉ trích nặng nề giới tình báo về yếu kém trong thu thập thông tin quan trọng cũng như không thể “liên kết dữ liệu” (giữa các cơ quan, bộ phận), để có thể tránh được thảm họa khủng bố này.

Cộng đồng tình báo Mỹ từ đó đã phải đứng trước sự cân bằng mỏng manh trong kiểm soát thông tin dựa trên “điều cần biết” và “cần chia sẻ”. Tuy nhiên, vụ Snowden có thể buộc các cơ quan này phải cân nhắc lại cách thức quản lý bí mật.

Với NSA, trường hợp Snowden là bất thường bởi anh ta là một người không có bằng cấp giáo dục chính thức, không được huấn luyện chuyên nghiệp, trong khi cơ quan này thường chỉ tuyển các kỹ thuật viên trình độ cao và lựa chọn những người có điểm tuyển cao nhất trong số những người xin học sĩ quan quân đội.

Trong các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông, Snowden có thể đã nói quá lên về số lượng các thông tin mật đã xuất hiện trên máy tính của anh ta hoặc của những người khác ở cùng cấp. Trả lời tờ Guardian, Snowden nói: “Bất cứ nhà phân tích NSA nào, ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể dõi theo bất cứ ai, ở bất cứ đâu… Ngồi ở bàn làm việc của mình, tôi cũng có thể nghe trộm bất cứ ai trong số các bạn, cho tới cả thẩm phán liên bang, thậm chí tổng thống, chỉ cần tôi có một email cá nhân”.

Tuy nhiên, giáo sư Deitz đã gọi những tuyên bố “nổ” này của Snowden là “lố bịch”. “Toàn là nói bậy… Không một nhà thầu nào ở cấp đó, hay ở bất cứ cấp nào khác có khả năng đó”, ông Deitz bác bỏ.


Thu Hằng (Theo AFP)
Nga có thể trao quy chế tị nạn cho người 'hớt lẻo'
Nga có thể trao quy chế tị nạn cho người 'hớt lẻo'

Nga có thể trao quy chế tị nạn cho Edward Snowden, cựu trợ lý kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người vừa tự công khai danh tính sau khi tiết lộ chương trình giám sát Internet gây nhiều tranh cãi trong dự án PRISM của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN