Nga có thể trao quy chế tị nạn cho người 'hớt lẻo'

Điện Kremlin ngày 11/6 cho biết Nga có thể trao quy chế tị nạn cho Edward Snowden, cựu trợ lý kỹ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), người vừa tự công khai danh tính sau khi tiết lộ chương trình giám sát Internet gây nhiều tranh cãi trong dự án PRISM của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Edward Snowden. Ảnh: internet.

Nhật báo kinh doanh "Kommersant" của Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Nếu chúng tôi nhận được đề nghị như vậy, chúng tôi sẽ xem xét".

Tuyên bố của ông Peskov đã nhận được phản ứng trái chiều từ giới chức và một nhà báo kỳ cựu của Nga. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc tế của Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Alexei Pushkov cho rằng ý định của Nga có thể làm cho phía Mỹ nổi giận. Trong khi đó, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng của Nga, ông Igor Korrotchenko lại cho rằng là nước có chủ quyền, Nga có thể trao quy chế tị nạn cho bất kỳ người nào mà nước này xem là hợp lý. Theo ông Korrotchenko, với việc cấp quy chế tị nạn cho Snowden, Nga sẽ bảo vệ được người đã hành động vì lợi ích của cộng đồng quốc tế. Vị Tổng biên tập này cũng cho rằng Snowden không phải là gián điệp hay kẻ phản bội vì anh ta hành động với tư cách của một công dân có trách nhiệm.

Cũng theo ông Korrotchenko, việc Snowden xuất hiện tại Nga (nếu xảy ra) cũng sẽ không làm tổn hại quan hệ Nga - Mỹ trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) dự kiến diễn ra tại Bắc Ireland vào tuần tới.

Trước đó, ngày 9/6, Snowden đã bất ngờ công khai danh tính sau khi tiết lộ chương trình giám sát Internet của NSA, vấn đề đang gây chấn động dư luận Mỹ trong những ngày vừa qua. Snowden năm nay 29 tuổi, từng là trợ lý kỹ thuật cho CIA và đã làm việc 4 năm tại NSA với tư cách là nhân viên của các nhà thầu quốc phòng Dell và Booz Allen Hamilton.

Trả lời phỏng vấn tờ "Người bảo vệ" (The Guardian) của Anh, Snowden cho biết mục đích của việc làm này là muốn người dân Mỹ biết về chương trình giám sát khổng lồ này, qua đó bảo vệ quyền tự do của mọi công dân và tự do Internet. Theo báo trên, kỹ thuật viên này đã lên kế hoạch cách đây 3 tuần và chủ động xin nghỉ phép sau khi sao chép các tài liệu mật tại văn phòng NSA ở Hawaii. Snowden tới Hồng Công (Trung Quốc) ngày 20/5 và lưu trú tại một khách sạn trên hòn đảo này cho tới khi đột ngột "biến mất" vào ngày 10/6.


TTXVN/Tin tức

Người 'hớt lẻo' có bị dẫn độ về Mỹ?
Người 'hớt lẻo' có bị dẫn độ về Mỹ?

Edward Snowden, người tiết lộ chương trình theo dõi người dùng Internet của Mỹ, sang Hong Kong đã mang tới khảo nghiệm mới cho quan hệ Trung-Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN