Theo USDA, các mẫu thịt bò được Phòng thí nghiệm Dịch vụ Thú y Quốc gia (NVSL) tiến hành xét nghiệm PCR. Những kết quả trên xác nhận thịt bò cung cấp cho thị trường là an toàn. Trước đó, USDA đã lấy 30 mẫu thịt bò xay từ các điểm bán lẻ ở các bang có đàn bò dương tính với virus H5N1.
Cùng ngày, Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo các kết quả xét nghiệm sơ bộ nhiều sản phẩm từ sữa bò cho thấy quá trình tiệt trùng đã vô hiệu hóa virus H5N1. Trong số các sản phẩm mới được FDA xét nghiệm có kem chua và phô mai tươi.
Cho đến nay, FDA đã xét nghiệm tổng cộng 297 mẫu bán lẻ các sản phẩm sữa tiệt trùng và kết quả được công bố ngày 1/5 là của các xét nghiệm với 201 mẫu trong số đó. Tuần trước, cơ quan này cũng công bố các kết quả xét nghiệm sơ bộ cho thấy quá trình tiệt trùng đã vô hiệu hóa virus H5N1 trong sữa và sữa bột trẻ em. Ông Donald Prater, quyền Giám đốc Trung tâm An toàn Thực phẩm và Dinh dưỡng ứng dụng của FDA, cho biết cơ quan này sẽ tiến hành xét nghiệm một vài sản phẩm nữa để đảm bảo rà soát toàn bộ các mẫu đại diện trên toàn quốc.
Giới chức liên bang Mỹ đã tiến hành kiểm tra mức độ an toàn của các sản phẩm sữa và thịt bò sau khi phát hiện các ca mắc cúm gia cầm ở 34 đàn gia súc tại 9 bang trên cả nước, kể từ tháng 3. Ngoài ra, còn có 1 ca mắc bệnh ở người là công nhân chăn nuôi bò ở bang Texas.
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều đánh giá nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng nói chung ở mức thấp nhưng cao hơn ở nhóm những người tiếp xúc với động vật mắc bệnh. Các nhà khoa học lo ngại đợt bùng phát có thể lan rộng hơn sau khi phát hiện các vật chất di truyền H5N1 trong khoảng 20% mẫu sữa. Bà Rosemary Sifford, Giám đốc phụ trách thú y của USDA, cho biết cơ quan này tin rằng virus H5N1 lây lan ở gia súc chủ yếu thông qua tiếp xúc với sữa nguyên liệu.
Các nhà khoa học đang theo dõi những thay đổi ở H5N1 có thể báo hiệu virus đang thích nghi để dễ dàng lây lan ở người. Loại virus này đã gây nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc gây tử vong ở những người tiếp xúc gần gũi với chim hoặc gia cầm hoang dã. H5N1 từ lâu đã nằm trong danh sách các loại virus có khả năng gây đại dịch và bất kỳ dấu hiệu nào về việc virus tồn tại ở một loài động vật có vú mới đều đáng lo ngại.
Tiến sĩ Demet Daskalakis từ CDC Mỹ cho biết cơ quan này đã theo dõi khoảng 100 người có tiếp xúc với cúm gia cầm và khoảng 25 người có triệu chứng đã được xét nghiệm. Cho đến nay, không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh nào. Cơ quan này đã xét nghiệm một mẫu virus lấy từ người công nhân nông trại ở Texas bị nhiễm H5N1 và phát hiện ra rằng tất cả các phương pháp điều trị cúm bằng thuốc kháng virus hiện có trên thị trường đều có hiệu quả. Triệu chứng duy nhất của người công nhân là viêm kết mạc, thường được gọi là đau mắt đỏ.