Phân tích trên được các nhà nghiên cứu của Trường Y tế Công cộng Brown, Bệnh viện Brigham và Phụ nữ, Đại học Havard và Chương trình Trí tuệ nhân tạo (AI) vì sức khỏe của Microsoft (AI for Health) phối hợp thực hiện dựa trên những dữ liệu thực tế từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ và tờ The New York Times. Kết quả cho thấy trong giai đoạn từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, ít nhất 318.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đã có thể được cứu sống nếu trước đó đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Mặc dù mức trung bình trên toàn quốc chỉ ra rằng khoảng 50% trường hợp tử vong có thể phòng ngừa được, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết có sự khác biệt lớn giữa các bang - dao động từ 25% đến 74% ca tử vong có thể ngăn ngừa được nhờ vaccine. Các bang Tây Virginia, Wyoming, Tennessee, Kentucky và Oklahoma dẫn đầu danh sách các bang nơi có thể cứu sống nhiều người nhất nhờ vaccine ngừa COVID-19, trong khi các bang và khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn như thủ đô Washington, bang Massachusetts, Puerto Rico, Vermont và Hawaii lại cho thấy số ca tử vong có thể ngăn chặn nhờ vaccine ở mức thấp nhất.
Trao đổi với báo giới, Phó Giáo sư Stefanie Friedhoff tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown và là đồng tác giả của phân tích, nhấn mạnh nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục thuyết phục nhiều người Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong khi đó, bác sĩ Thomas Tsai tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ cho rằng dữ liệu trên nhấn mạnh vai trò quan trọng của vaccine trong việc bảo vệ tính mạng của người dân ở mỗi bang.
Hiện số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã vượt 1 triệu ca. Tuần trước, Cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci đã chia sẻ rằng: "Với tư cách là một nhà khoa học, một bác sĩ và một quan chức y tế công cộng, tôi cảm thấy thực sự đau lòng khi chứng kiến những dữ liệu quá lớn cho thấy sự khác biệt giữa tiêm chủng so với việc không tiêm vaccine và tiêm mũi tăng cường khi xét đến số ca nhập viện và tử vong".
Theo dữ liệu của CDC Mỹ, cho đến nay, hơn 220 triệu người dân nước này đã được tiêm đủ liều vaccine cơ bản ngừa COVID-19, 100 triệu người trong số đó đã được tiêm mũi tăng cường đầu tiên. Tuy nhiên, khoảng 92 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm - chiếm khoảng 50% số người hiện đủ điều kiện - vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường.