Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu họp báo ngày 9/12, tướng Gustave Perna - phụ trách giám sát chương trình thúc đẩy phát triển vaccine Warp Speed của chính phủ, cho biết chính quyền liên bang Mỹ cũng sẽ bổ sung 2,9 triệu liều vaccine để phục vụ tiêm nhắc lại mũi thứ hai. Vaccine của Pfizer/BioNTech được tiêm hai lần, cách nhau 21 ngày. Bên cạnh đó, sẽ có thêm 500.000 liều vaccine được dự phòng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Phát biểu của ông Perna được đưa ra trước thềm cuộc họp của FDA dự kiến diễn ra ngày 10/12 để bỏ phiếu về việc có nên cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer/BioNTech hay không. Nếu Ủy ban Tư vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học liên quan của FDA chính thức đề xuất vaccine của Pfizer/BioNTech, cơ quan này có thể sẽ công bố quyết định cấp phép “trong vài ngày tới”.
Trước đó, FDA cho biết các thử nghiệm liên quan đến vaccine của Pfizer/BioNTech cho thấy “không có mối lo ngại đặc biệt nào về độ an toàn”. Vaccine của Pfizer/BioNTech là một trong số các ứng cử viên vaccine tiềm năng nhất đang được nhiều nước trên thế giới xem xét để thông qua.
* Ngày 9/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết những liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm ở nước này vào ngày 27/12 tới.
Thông tin trên được Thủ tướng Netanyahu đưa ra khi ông có mặt tại sân bay Ben Gurion để tiếp nhận lô vaccine đầu tiên theo hợp đồng với Pfizer/BioNTech. Lô vaccine đầu tiên được hãng vận chuyển DHL chuyển tới Israel bằng đường hàng không này nằm trong hợp đồng mua 8 triệu liều vaccine mà Israel ký với Pfizer/BioNTech.
Phát biểu tại sân bay, ông Netanyahu cho biết các cơ sở y tế công cộng của Israel có khả năng thực hiện 60.000 lượt tiêm chủng mỗi ngày. Dự kiến, trong ngày 10/12, Israel sẽ tiếp nhận lô vaccine thứ hai của Pfizer/BioNTech. Nhà lãnh đạo Israel đồng thời kêu gọi người dân đi tiêm phòng COVID-19 và cho biết ông sẽ là người tiêm mũi đầu tiên.
Ngoài vaccine của Pfizer/BioNTech, Israel còn đặt mua 6 triệu liều vaccine của hãng công nghệ sinh học Moderna (Mỹ), dự kiến được vận chuyển đến Israel vào năm 2021. Như vậy, Israel đảm bảo có tổng cộng 14 triệu liều vaccine cho 9 triệu dân nước này.
* Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết Thái Lan sẵn sàng sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 cho các thành viên của nhóm Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) vào giữa năm 2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đưa ra thông báo trên khi tham dự Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 9 được tổ chức trực tuyến ngày 9/10 cùng với các nhà lãnh đạo của 4 nước thành viên khác là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, cùng Tổng Thư ký ASEAN. Hội nghị do Campuchia chủ trì, tập trung vào các tác động của dịch COVID-19 đối với thu nhập của người dân trong tiểu vùng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Prayut Chan-o-cha khẳng định Thái Lan sẽ giúp tăng cường ACMECS, đặc biệt là về sức khỏe cộng đồng. Ông cho biết Thái Lan đã ký thỏa thuận đặt mua vaccine ngừa COVID-19 với một công ty của Anh và Thái Lan dự kiến sẽ nhận được giấy phép sản xuất vào giữa năm 2021. Ông cho biết: “Thái Lan sẽ phân loại thuốc và vaccine ngừa COVID-19 là hàng hóa công cộng để người dân ở khu vực sông Mekong có thể tiếp cận một cách bình đẳng với giá cả hợp lý”.