Kế hoạch cung cấp vaccine này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo với Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi trong cuộc điện đàm tháng trước.
Mỹ có kế hoạch cung cấp 503.100 liều vaccine COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho Iraq thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX.
Ngoài 2 tỷ USD đã quyên góp cho COVAX, Chính phủ Mỹ cũng công bố kế hoạch mua thêm 500 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech để cung cấp cho Liên minh châu Phi và 92 nước trên thế giới có thu nhập trung bình thấp.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết 53 quốc gia châu lục này đã tiếp nhận khoảng 114 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, CDC châu Phi cho biết khoảng 77,3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong số trên đã được tiêm cho người dân. Trong đó, 5 quốc gia đã mua và sử dụng nhiều nhất vaccine ngừa COVID-19 gồm Maroc, Nam Phi, Ai Cập, Nigeria và Tunisia.
Tính đến chiều 12/8, toàn khu vực châu Phi đã ghi nhận tổng cộng 7.136.140 ca mắc COVID-19 và 179.986 ca tử vong, 6.217.218 người mắc bệnh đã được điều trị khỏi. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia là các quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất ở châu lục này.
Trong khi đó, ngày 12/8, Argentina đã bắt đầu phân phối lô vaccine đầu gồm hơn 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga được sản xuất ở nước này.
Trước đó, tháng 6, quốc gia Nam Mỹ này thông báo hãng dược Laboratorios Richmond của nước này sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 sử dụng kháng nguyên do nhà sản xuất vaccine Sputnik V của Nga cung cấp. Đến nay, Laboratorios Richmond đã sản xuất 995.000 liều vaccine đầu tiên và 52.000 liều trong đợt thứ hai. Theo Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan hỗ trợ tài chính sản xuất vaccine Sputnik V và quảng bá vaccine này ra toàn cầu, Laboratorios Richmond dự kiến sản xuất thêm 2 triệu liều vacicne ngừa COVID-19 trong tháng này.
Tháng 12/2020, Argentina là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V. Tuy nhiên, Argentina đã đe doạ huỷ hợp đồng với Nga sau khi đợt ban giao lô vaccine thứ hai bị trì hoãn. Tuần trước, nước này mới bắt đầu tiêm vaccine của hãng Moderna và AstraZeneca thay cho vaccine Sputnik V.
Cho đến nay, gần 59% trong tổng số 45 triệu dân Argentina đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine và chỉ 20% tiêm phòng đầy đủ.