Theo kênh truyền hình RT, lời đề nghị này được thông báo qua tài khoản Twitter chính thức của vaccine Sputnik V do Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) quản lý. RDIF phụ trách phát triển và quảng bá vaccine ra nước ngoài.
Được cấp phép sử dụng tại Nga hồi tháng 5 cho những người từ 18 đến 60 tuổi, Sputnik Light đơn liều được phát triển dựa trên công nghệ vector adenovirus với việc sử dụng loại vector (rAd26) – một trong hai thành phần chính của Sputnik V.
Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II, vaccine Sputnik Light cho thấy hiệu quả (28 ngày sau khi tiêm) là 79,4% và có tác dụng phòng ngừa đối với tất cả các biến thể của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, chưa cho thấy phản ứng phụ nghiêm trọng nào được phát hiện trong quá trình thử nghiệm vaccine này.
Trong một đoạn tweet khác, RDIF đề cập đến một báo cáo trong đó các nhà nghiên cứu Mỹ đã phân tích dữ liệu của hơn 50.000 người mắc COVID-19 tại Hệ thống Y tế Phòng khám Mayo ở Minnesota và cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna đều giảm xuống.
Cụ thể, Pfizer/BioNTech đã giảm từ 76% trong nửa đầu năm 2021 xuống chỉ còn 42% vào tháng 7. Còn Moderna giảm từ 86% xuống còn 76%.
Nghiên cứu này được đăng trên hệ thống thông tin mở medRxiv vào tuần trước và chưa được kết luận cuối cùng.
Nhóm chuyên gia cho rằng sự thay đổi về hiệu quả trên có liên quan đến biến thể Delta dễ lây lan hơn. Tỷ lệ lưu hành của biến thể này ở Minnesota đã tăng từ 0,7% vào tháng 5 lên hơn 70% vào tháng 7.
Vaccine Pfizer và Moderna có cùng cơ chế hoạt động vì cả hai đều thuộc nhóm vaccine công nghệ gien mRNA, trong khi Sputnik V và Sputnik Light là vaccine vecter adenovirus.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nga Mikhail Murashko ngày 11/8 cho biết Sputnik V có hiệu quả 83% đối với biến thể Delta cũng như có khả năng phòng ngừa mắc COVID-19 thể nặng lên đến hơn 95%.
Biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên vào năm ngoái ở Ấn Độ, đã nhanh chóng lan rộng trên toàn cầu. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), chủng Delta có khả năng lây lan gần gấp đôi so với các biến thể trước đó.