Mỹ cảnh báo trừng phạt các công ty vi phạm lệnh cấm vận Iran

Nhằm chứng tỏ lập trường kiên định trong vấn đề hồ sơ hạt nhân của Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 11/2 khẳng định sẽ có biện pháp cứng rắn đối với các doanh nghiệp vi phạm lệnh trừng phạt của Washington đối với nước CH Hồi giáo này. Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi hồi tháng trước, một phái đoàn lớn các doanh nghiệp Pháp đến Tehran để tìm hiểu các cơ hội đầu tư.

Tổng thống Barack Obama (phải) và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Mỹ. Ảnh: AFP-TTXVN


Phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Francois Hollande đang ở thăm Mỹ, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo các công ty nước ngoài đang có hướng hợp tác thương mại và đầu tư tại Iran về những biện pháp cứng rắn của Washington nếu họ vi phạm lệnh trừng phạt đối với Tehran. Theo ông, Mỹ và các đồng minh (trong đó có cả Pháp) đã nhất trí duy trì các biện pháp trừng phạt Iran hiện hành trong khi tiếp tục thương lượng với Tehran về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Hollande nêu rõ chính quyền Paris không kiểm soát những hoạt động của các tập đoàn nước này và chuyến thị sát, thăm dò thị trường Iran của phái đoàn doanh nghiệp Pháp nói trên chỉ là hành động đơn phương. Ông Hollande cam kết nước này vẫn tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt đối với Iran cho tới khi Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) đạt được thỏa thuận hạt nhân cuối cùng.

Những tuyên bố cứng rắn của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp được đưa ra sau khi hồi tháng trước, một phái đoàn doanh nghiệp Pháp hùng hậu với 116 thành viên, gồm cả đại diện của các tập đoàn lớn như Total, Lafarge và Peugeot, đã tới Iran tìm hiểu thị trường cũng như các cơ hội làm ăn.

Trong một phản ứng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã bác bỏ việc Mỹ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, coi đây là hành động không phù hợp với luật pháp quốc tế. Phát biểu với phóng viên tại Đại sứ quán Iran ở Moskva, ông Ryabkov cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương đó không có cơ sở pháp lý và sẽ hủy hoại “một nền tảng lành mạnh và tích cực để đạt được tiến bộ hơn nữa trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Iran”.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố những biện pháp nhằm vào một số công ty và cá nhân trên thế giới do né tránh các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông Ryabkov cho rằng những chế tài này đi ngược lại sự phát triển bình thường của các mối quan hệ quốc tế và cản trở tiến bộ của các cuộc đàm phán hạt nhân.

Thoả thuận sơ bộ về hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran đã được Iran và Nhóm P5+1 đạt được hồi tháng 11/2013 và có hiệu lực trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 20/1 vừa qua. Theo thoả thuận này, Iran ngừng làm giàu urani cấp độ trên 5%, vô hiệu hóa kho urani đã làm giàu ở cấp độ gần 20% trong vòng 6 tháng và chấm dứt hoạt động tại lò phản ứng nước nặng Arak, nơi bị coi là có thể cung cấp plutoni để sản xuất bom nguyên tử.

Đổi lại, Iran có thể tiếp cận nguồn thu từ dầu mỏ lên tới 4,2 tỷ USD hiện đang bị phong tỏa trong các tài khoản ở nước ngoài và được nối lại các hoạt động trao đổi sản phẩm hóa dầu, vàng và kim loại quý hiếm khác.


TTXVN/Tin tức
Mỹ củng cố vị thế quân sự lúc ngân sách eo hẹp
Mỹ củng cố vị thế quân sự lúc ngân sách eo hẹp

Quyền Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, bà Christine Fox nhấn mạnh đến vị thế quân sự Mỹ cần phải có nhằm giải quyết các thách thức trong bối cảnh Lầu Năm Góc phải đối mặt với khó khăn về ngân sách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN