Mỹ: Các bang ngừng trợ cấp thất nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19

Một loạt bang ở Mỹ ngày 11/5 thông báo sẽ chấm dứt chương trình trợ cấp thất nghiệp bổ sung do chính phủ liên bang cung cấp trong bối cảnh dịch COVID-19, cho rằng chương trình trợ cấp này đang gây ra tình trạng thiếu lao động.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng đệ đơn thất nghiệp tại Arkansas (Mỹ). Ảnh tư liệu: Reuters

Các bang Iowa, Alabama, Arkansas, Mississippi, Montana và South Carolina thông báo cắt khoản trợ cấp bổ sung mà theo kế hoạch được trả đến hết tháng 9 tới trong khuôn khổ gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD đã được thông qua hồi tháng 3 vừa qua, trong đó mỗi người được cấp thêm 300 USD/tuần ngoài khoản trợ cấp thường lệ của bang.

Động thái trên của các bang diễn ra sau khi một báo cáo về tình hình việc làm ở Mỹ được công bố tuần trước, theo đó chỉ có 266.000 vị trí việc làm được khôi phục trong tháng 4 vừa qua, thiếu nhiều so với mức dự kiến khôi phục được 1 triệu việc làm. 

Một số nhà tuyển dụng và Phòng Thương mại Mỹ đã cho rằng việc tuyển dụng chậm chạp một phần là do các khoản trợ cấp thất nghiệp hào phóng của chính phủ. Thống đốc bang Iowa Kim Reynolds, trên trang Twitter cá nhân, cho biết bang này sẽ chấm dứt tham gia tất cả các chương trình trợ cấp thất nghiệp của liên bang liên quan đại dịch COVID-19. Bà nhấn mạnh: "Đã đến lúc tất cả mọi người đều có thể trở lại làm việc". 

Một số bang khác cũng ngừng chương trình hỗ trợ đặc biệt của liên bang. Bang Montana gần đây đã đưa ra "tiền thưởng trở lại làm việc", theo đó sẽ cấp 1.200 USD cho những người lao động nhận việc làm và thoát khỏi tình trạng thất nghiệp.

Tại Mississippi, Thống đốc Tate Reeves cho biết ông đã thảo luận với nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và nhận thấy các chương trình hỗ trợ đặc biệt "có lẽ đã cần thiết trong tháng 5 năm ngoái, nhưng không còn cần thiết trong tháng 5 năm nay". Ông cho rằng không thể phục hồi kinh tế hoàn toàn khi chưa tuyển dụng được hết hàng nghìn việc làm sẵn có ở bang này. 

Theo báo cáo về tình hình việc làm của Bộ Lao động Mỹ, số việc làm cần tuyển dụng lao động tại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3 vừa qua, trong khi số lao động mất việc làm giảm xuống mức thấp kỷ lục. Vào ngày cuối cùng của tháng 3, số việc làm cần tuyển lao động tăng 597.000 lên 8,1 triệu, mức cao nhất kể từ tháng 12/2000. Lĩnh vực tăng mạnh nhất là lưu trú và dịch vụ ăn uống, với số việc làm còn trống tăng 185.000. Nhu cầu lao động trong các cơ quan giáo dục nhà nước và các địa phương tăng 155.000. Trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí và sáng tạo, số việc làm cần tuyển tăng 81.000. Cơ hội việc làm cũng tăng trong lĩnh vực chế tạo, thương mại, giao thông và dịch vụ công cộng cũng như tài chính. 

Trong khi đó, số lao động mất việc làm trong tháng 3 là 1,5 triệu, giảm so với mức 1,7 triệu trong tháng 2 và là mức thấp kỷ lục. Số lao động thất nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giảm 93.000, nhờ nhu cầu nhà ở lớn. 

Các công ty phải tìm kiếm lao động để đáp ứng nhu cầu được giải phóng sau giai đoạn bị dồn nén, nhờ các gói kích thích khổng lồ và dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát. 

Các nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao dù các công ty không tuyển đủ lao động, nguyên nhân do những lo ngại về dịch bệnh. Một số người vẫn ở nhà trông con mặc dù các trường đã từng bước trở lại học trên lớp. Ngoài ra, do đại dịch, đã có những lao động nghỉ hưu và những người thay đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng trái ngược về cơ hội việc làm và lao động thất nghiệp sẽ được giải quyết khi các công ty tăng lương và thêm nhiều người được tiêm vaccine phòng bệnh.

Phương Hoa (TTXVN)
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục tăng
Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục tăng

Ngày 25/11, Bộ Lao động Mỹ thông báo số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tiếp tục tăng trong tuần trước, làm dấy lên lo ngại về một đợt suy thoái kinh tế mới trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN