Mỹ bùng nổ năng lượng mới, Canada lao đao

Một nghịch lý là trong khi dư luận cho rằng giá xăng dầu cao sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ thì sản lượng dầu tại nước này lại đang tăng nhanh và trở thành một trong những động lực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Sự bùng nổ năng lượng của Mỹ là kết quả của việc phát triển công nghệ trong khai thác dầu đá phiến sét không những đã trở nên khả thi mà còn tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, với giá dầu chỉ vào khoảng 100 USD/thùng, nhờ đó giúp giá xăng giảm đáng kể. Hai năm trước, người ta tin rằng sẽ khó chiết xuất các phân tử dầu quá lớn từ đá phiến sét, nhưng giờ đây công nghệ mới đã tạo ra sự bùng nổ dầu mỏ lớn nhất trong nhiều năm.

Nga và Mỹ đã trở thành các quốc gia ngoài OPEC sản xuất dầu thô lớn nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Canađa. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng của nguồn cung cấp. Mỹ hiện đang thiếu hụt đáng kể các đường ống dẫn dầu và khả năng lọc dầu của các nhà máy cũng hạn chế. Bởi vậy, giá xăng dầu vẫn phải gắn liền với giá dầu thô Brent Biển Bắc, vốn đang có những mối lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Iran và nguy cơ địa chính trị ở Trung Đông.

Những công nghệ mới đã cho phép chiết xuất dầu từ đá phiến dầu, góp phần hạ giá năng lượng tại Mỹ xuống. Ảnh: Internet.


Sự bùng nổ dầu đá phiến sét tại Mỹ cũng đã làm gia tăng các mối quan ngại. Các tác động đến môi trường, đặc biệt là nguy cơ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, là mối quan tâm lớn nhất. Việc khoan thăm dò cũng đã gây tổn hại cho hệ thống đường giao thông và làm gia tăng chi phí cho các chính quyền địa phương. Nhiều người còn cho rằng hoạt động khoan thăm dò có thể gây thêm rủi ro về động đất. Tại một số khu vực của Texas, tình trạng thiếu nước trầm trọng đã xảy ra khi công nghệ sản xuất dầu thô mới phải cần đến một khối lượng nước rất lớn. Tuy nhiên, với chi phí thấp, giá rẻ, dầu đá phiến sét đang là một nhân tố kích thích mạnh mẽ đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ.

Bên cạnh đó, sản lượng tại Mỹ (và Canađa) tăng đã làm giảm giá dầu chuẩn ở Mỹ (WTI), điều đang khiến các nhà sản xuất Canađa phải chịu thiệt hại, với ít nhất là một công ty dầu mỏ phải tạm đóng cửa một số cơ sở sản xuất.

Các nhà sản xuất của Canađa hiện cũng đang gặp trở ngại trong các dự án dầu cát, có chi phí trên mỗi thùng dầu có thể lên cao nhất trên thế giới. Để giảm bớt một số vấn đề có liên quan đến cơ sở hạ tầng, một khối lượng ngày càng lớn dầu thô Canađa đang được vận chuyển thông qua đường sắt và đường biển.

Hoạt động này có thể thúc đẩy tăng trưởng việc làm và hoạt động trong các ngành công nghiệp, nhưng lại có chi phí cao hơn nhiều so với vận chuyển bằng đường ống dẫn. Tuy nhiên, dự án đường ống dẫn Keystone XL của Canađa tại Mỹ đã bị trì hoãn vì các lý do chính trị và môi trường, dự án đường ống dẫn Cổng phía Bắc cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự. R

Rõ ràng, Mỹ đang giảm dần sự phụ thuộc vào dầu mỏ Canađa và Canađa đã có kế hoạch mở rộng thị trường và tìm các khách hàng mới cho dầu thô như Trung Quốc.

Mặc dù Canađa buộc phải xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và phần còn lại của châu Á để bù đắp những tác động tiêu cực từ sự sụt giảm nhu cầu dầu của Mỹ, nhưng các công ty đường ống dẫn dầu của Canađa và các công ty dịch vụ dầu có thể sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ sự bùng nổ năng lượng tại Mỹ.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Canađa vào Mỹ chắc chắn cũng sẽ được tăng cường vì sự bùng nổ này sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập, đảm bảo cho nền kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục.

Thanh Hải
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN