Theo nguồn tin từ tờ National Interest, Không quân Mỹ sẽ bắt đầu thay thế F-22 Raptor bằng các máy bay thế hệ đàn anh F-15.
"Không quân không có nhiều lựa chọn ngoài việc rút các "Mãnh điểu" tàng hình. Đội bay đang chật vây xây dựng lại lực lượng F-22 tinh gọn hơn sau khi Căn cứ không quân Tyndall, từng là căn cứ của loạt máy bay Raptor, bị phá huỷ trong cơn bão Michael vào tháng 10/2018", tờ National Interest đưa tin.
"Hiện tại không còn F-22 triển khai tới AFCENT, nhưng không quân Mỹ đã điều F-15 tới Tây Nam Á", Bộ chỉ huy trung tâm Không quân Mỹ (AFCENT) cho biết.
"Các máy bay Không quân sẽ tuần tra hàng ngày để hoàn thành các yêu cầu hoạt động, duy trì ưu thế trên không và bảo vệ các lực lượng mặt đất". Theo AFCENT, trong nhiều năm, vai trò ưu thế trên không đã được gánh vác bởi F-22, dòng máy bay được triển khai chiến đấu lần đầu tiên vào năm 2014 với sứ mạng hỗ trợ chiến dịch chống IS.
Phi đội F-22 cũng tham gia các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu của quân đội chính phủ Syria vào ngày 14/4/2018.
Xem tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ cất cánh:
F-22 Raptor là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 sử dụng kỹ thuật tàng hình đầu tiên trên thế giới. Tuy vậy, chương trình F-22 của Mỹ lại gây ra nhiều tranh cãi. Trước hết, việc sản xuất F-22 là kết quả sự phối hợp đầu tư của rất nhiều công ty sản xuất thiết bị lớn với những công nghệ tiên tiến hàng đầu nên giá thành bị đội lên đến mức khủng khiếp. Toàn bộ chi phí cho chương trình phát triển F-22A cho đến lúc sản xuất xong 141 chiếc đầu tiên vào tháng 5/2009 là 65 tỷ USD, nghĩa là bình quân 461 triệu USD triệu một chiếc.
Mặc dù nhà sản xuất cho biết nếu sản xuất với số lượng lớn, giá thành của F-22 có thể giảm xuống, còn 137,5 triệu USD mỗi chiếc nhưng điều này xem ra khó thành hiện thực vì Chính phủ Mỹ đã dừng chương trình F-22 và loại máy bay này cũng bị cấm không được xuất khẩu.
Trong khi đó, dù cho là loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, được đầu tư lớn F-22 vẫn chưa đạt đến độ hoàn hảo cần có. Những trục trặc kỹ thuật vẫn xảy ra, điển hình là vụ phi công F-22 bị mắc kẹt trong buồng lái ngày 10/4/2006 khiến các nhân viên cứu hộ phải dùng đến cưa máy để giải thoát. Hai vụ tai nạn xảy ra vào tháng 12/2004 tại Nevada và ngày 25/3/2009 khiến không quân Mỹ tổn thất hai chiếc máy bay đắt đỏ và một phi công thiệt mạng.
Cho đến nay chỉ có 187 chiếc F-22 được chế tạo và biên chế vào lực lượng không quân Mỹ dù kế hoạch ban đầu là 750 chiếc. Năm 2011, dây chuyền sản xuất F-22 đã bị dừng. Thay vì mua F-22, Mỹ đầu tư chế tạo chiếc Lockheed Martin F-35 Lightning II.