Theo trung tâm khí tượng quốc gia, vào ngày 16/4, UAE đã ghi nhận lượng mưa kỷ lục 254 mm tại Al Ain trong chưa đầy 24 giờ. Đây là lượng mưa lớn nhất kể từ khi công tác thống kê bắt đầu vào năm 1949. Các hình ảnh đăng trên truyền thông UAE và các mạng xã hội cho thấy mưa lớn đã làm sập nhiều con đường và khiến nhiều ngôi nhà bị ngập nước. Tắc nghẽn giao thông tại đường cao tốc 12 làn xe Sheikh Zayed kéo dài trong nhiều giờ.
Mặc dù mưa lớn đã giảm bớt vào cuối ngày 16/4, song tình trạng gián đoạn giao thông vẫn tiếp diễn trong ngày 17/4, khi hãng hàng không Emirates Airlines quyết định tạm ngừng làm thủ tục lên máy bay cho hành khách khởi hành từ sân bay Dubai.
Sân bay quốc tế Dubai, một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới, cho biết đang đối mặt với tình trạng gián đoạn nghiêm trọng, khi mưa lớn làm các chuyến bay bị chậm và phải đổi hướng. Hành khách xuất phát từ Dubai được khuyến cáo không đến sân bay và kiểm tra tình trạng chuyến bay với hãng hàng không. Sân bay khẳng định đang nỗ lực để nối lại hoạt động sớm nhất có thể. Chính quyền thành phố Dubai cũng yêu cầu nhân viên và tất cả các trường học làm việc từ xa ngày thứ 2 liên tiếp.
Tại quốc gia láng giềng Oman, mưa lớn trong 3 ngày liên tiếp đã làm 19 người thiệt mạng. Báo The Times of Oman đưa tin mưa lớn sẽ tiếp tục trong ngày 17/4.
Sau khi đổ bộ vào Oman, các cơn bão đã lần lượt tràn vào UAE và Bahrain trong đêm 15/4 và ngày 16/4. Nhà khí hậu học Friederike Otto nhận định nhiều khả năng tình trạng ấm lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các cơn bão mạnh hơn.
Tại Kazakhstan, Bộ Tình trạng khẩn cấp cho biết gần 117.000 người đã sơ tán vì lũ lụt tại quốc gia Trung Á này. Do nước rút ở một số khu vực, khoảng 16.000 người đã trở về nhà. Tuy nhiên, công tác sơ tán vẫn duy trì tại các vùng Bắc Kazakhstan, Aktobe và Tây Kazakhstan.