Một viện nghiên cứu ở Đức vẫn hợp tác với Triều Tiên

Liên hợp quốc (LHQ) đã ban hành lệnh cấm hợp tác nghiên cứu với Triều Tiên để ngừng chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, kênh DW (Đức) đã điều tra và phát hiện một viện nghiên cứu ở Berlin vẫn hợp tác với Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm một nhà máy quốc phòng năm 2014. Ảnh: KCNA

Kể từ năm 2006, LHQ đã ban hành trừng phạt lên Triều Tiên trong đó có nội dung hạn chế chuyển giao công nghệ và trao đổi học thuật. Đến năm 2016, Hội đồng Bảo an LHQ quyết định tất cả các nước thành viên ngừng hợp tác khoa học với nhà nghiên cứu Triều Tiên. Các lệnh trừng phạt của LHQ cũng áp dụng với hợp tác khoa học từ xa qua hình thức thư điện tử (email) và đồng tác giả.

Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin tại Mỹ đã xem xét hợp tác nghiên cứu quốc tế của Triều Tiên trong giai đoạn từ 1958 đến 2018. Đứng đầu là quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên với Trung Quốc, gồm trên 900 nghiên cứu chung đã được công bố. Tiếp sau đó là hợp tác giữa Triều Tiên với Đức với 139 nghiên cứu được công bố.

Trong thập niên qua, một cái tên Đức nổi bật hơn cả là nhà nghiên cứu Joachim Herrmann tại Viện Max Born (MBI). Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin cho rằng ông Joachim Herrmann đã tham gia những nghiên cứu hợp tác mang rủi ro.

MBI là một viện nghiên cứu không lợi nhuận được nhận tiền quyên góp hoạt động từ Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Đức cũng như chính phủ Đức. Nhà vật lý học Herrmann đã nghiên cứu tại MBI từ khi cơ sở này được thành lập năm 1992 và sau khi nghỉ hưu ông vẫn gắn bó với nơi này.

Ông Herrmann gặp nhà vật lý học người Triều Tiên Im Song Jin tại Berlin vào cuối năm 2008. Ông Im Song Jin đến Berlin nhờ học bổng của cơ quan trao đổi hàn lâm Đức. Một vài tháng sau đó, nhà nghiên cứu Triều Tiên thứ hai là Kim Kwang Hyon đến MBI dựa trên học bổng từ Quỹ Daimler-Benz. Ông Kim Kwang Hyon ở Đức cho đến năm 2012. Ông Im Song Jin hiện giảng dạy tại Đại học Kim Nhật Thành, còn ông Kim Kwang Hyon công tác tại Viện hàn lâm Triều Tiên.

Sau khi trở về Triều Tiên, ông Im Song Jin vẫn duy trì liên hệ cá nhân với ông Herrmann. Hai nhà khoa học sau đó tiếp tục làm việc từ xa qua email.

Trong giai đoạn giữa 2017 và 2020, có tổng cộng 9 nghiên cứu của ông Herrmann do MBI công bố trong đó có hợp tác với ông Kim Kwang Hyon và ông Im Song Jin. Tất cả các nghiên cứu chung này liên quan đến công nghệ laser, không hướng đến một mục tiêu thực tế cụ thể.

Tại Đức, tự do nghiên cứu được hiến pháp bảo vệ, do đó các nhà khoa học được tự lựa chọn đối tác và dự án, không có tác động chính trị. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có trách nhiệm tự đánh giá rủi ro. Nếu họ nghi ngờ người cộng tác có thể sử dụng nghiên cứu của họ cho mục đích quân sự thì họ phải liên lạc với Văn phòng liên bang về kinh tế và kiểm soát xuất khẩu (BAFA). BAFA sẽ xem xét liệu nghiên cứu chung này có được phép hay không. MBI không liên lạc với BAFA do vậy chưa hề có xem xét liên quan đến vụ việc.

Các biện pháp trừng phạt của LHQ chỉ có hiệu lực nếu chính phủ của các thành viên thực hiện chúng theo cách ràng buộc về mặt pháp lý. Trong trường hợp của Đức, điều này liên quan đến cả luật pháp quốc gia và Liên minh châu Âu. Tại EU, những nghiên cứu cơ bản như MBI thực hiện thường không phải là nội dung phê duyệt chính thức.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Mỹ thiết lập hệ thống cảnh báo sớm với tên lửa Triều Tiên
Mỹ thiết lập hệ thống cảnh báo sớm với tên lửa Triều Tiên

Lực lượng Vũ trụ Mỹ đang nghiên cứu tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm cho các lần phóng tên lửa của Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN