Tình hình tại Indonesia là phức tạp nhất. Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này ghi nhận thêm 857 ca mắc mới và 43 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại đây tăng lên 38.277 ca, trong đó có 2.134 ca tử vong. Có thêm 755 bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, nâng tổng số ca bình phục lên 14.531 người. Đến nay, đảo quốc này đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cho 322.933 người.
Bộ Y tế Philippines đã xác nhận thêm 539 ca mắc và 14 ca tử vong ngày 14/6. Như vậy, tổng số ca mắc tại nước này đã tăng lên 25.930 ca, trong đó có 1.088 ca không qua khỏi. Bộ Y tế Singapore thông báo 407 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 40.604 ca. Số ca tử vong tại đảo quốc này vẫn là 26 ca, trong khi 28.808 ca đã bình phục và xuất viện.
Nhằm giúp Indonesia ứng phó với đại dịch, Liên hợp quốc (LHQ) sẽ giải ngân 2 triệu USD từ Quỹ ủy thác đa phương chống dịch COVID-19 (COVID-19 MPTF).
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, khoản tiền trên sẽ được giải ngân thông qua dự án bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ và trẻ em, trước các tác động kinh tế và xã hội của đại dịch. Trong một tuyên bố, Điều phối viên thường trú của LHQ tại Indonesia, ông Niels Scott nhấn mạnh việc phân bổ nguồn quỹ cho Indonesia nhằm đảm bảo không ai, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, bị bỏ lại phía sau trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế xã hội.
Ông Scott nhấn mạnh ưu tiên của LHQ là hỗ trợ Chính phủ Indonesia bảo vệ tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Ông Scott bày tỏ cảm ơn chính phủ các nước Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ và Đan Mạch cung cấp những khoản đóng góp đầu tiên cho Quỹ COVID-19 MPTF.
Theo ước tính của LHQ, khoảng 150 triệu người Indonesia đã rơi vào tình trạng nghèo đói do ảnh hưởng kinh tế của đại dịch. Trong khi đó, nhiều người dân tại nước này cũng mất thu nhập, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng.
Gói tài trợ trên sẽ hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương thông qua các cơ chế bảo vệ kinh tế và xã hội bằng cách tăng cường hỗ trợ tiền mặt, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội và cung cấp hỗ trợ giáo dục và an ninh lương thực cho trẻ em. Ngoài ra, khoản tiền này sẽ được dùng để hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số, qua đó giúp thúc đẩy việc làm, tăng cường các dịch vụ xã hội và cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế.
LHQ cho biết chương trình sẽ được triển khai thông qua các cơ quan tại Indonesia, trong đó có Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Tính đến ngày 13/6, Quỹ COVID-19 MPTF đã hỗ trợ cho 45 quốc gia đang phát triển với tổng ngân sách được phê duyệt là 41,3 triệu USD, trong đó Indonesia và Ấn Độ được hỗ trợ nhiều nhất với 2 triệu USD mỗi nước.