Các chuyên gia cho rằng thời kỳ hoàng kim của toàn cầu hóa đã kết thúc, nhưng xu hướng này sẽ không mất đi mà sẽ phát triển đa dạng, dưới nhiều hình thức hơn.
Dấu chấm hết của một chu kỳ trong lịch sử kinh tế
Trong ba thập kỷ qua, toàn cầu hóa đã giúp các nền kinh tế trên thế giới liên kết với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết, tạo ra các chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong đó, nhiều nhà sản xuất từ nhiều quốc gia trên thế giới có thể cùng tham gia sản xuất một loại hàng hóa.
Nhưng từ 10 năm trở lại đây, rất nhiều cú sốc đã giáng vào nền kinh tế toàn cầu hóa. Đáng chú ý là dịch bệnh và xung đột địa chính trị đã đặt dấu chấm hết cho một chu kỳ trong lịch sử của nền kinh tế, trong đó thời kỳ hoàng kim của quốc tế hóa thương mại, hay còn gọi là "toàn cầu hóa", đã nhường chỗ cho những xu hướng "phi toàn cầu hóa" phát triển.
Phải thừa nhận rằng thương mại quốc tế đang phục hồi sau COVID-19. Tuy nhiên, sau đại dịch, niềm tin vào giá trị toàn cầu hóa kinh tế dường như đã bị phá vỡ. Nhiều quốc gia đã nhận thức được sự phụ thuộc đáng lo ngại của họ vào nước ngoài về mặt an ninh y tế.
Xét cho cùng, khẩu trang, xét nghiệm, vaccine là vấn đề sức khỏe cộng đồng và nếu nhìn rộng hơn thì đó là chủ quyền quốc gia. Do đó, các quốc gia nhận ra rằng tốt hơn hết là họ nên sản xuất trong nước, dù phải trả nhiều tiền hơn. Và điều này cũng đúng trong một số lĩnh vực quan trọng khác.
Xung đột Nga - Ukraine phơi bày thảm họa của sự phụ thuộc vào năng lượng khiến châu Âu trở thành "con tin" của Nga. Người châu Âu mong muốn loại bỏ sự phụ thuộc này trong vòng vài năm bằng cách đảm bảo rằng họ sẽ đầu tư ồ ạt vào năng lượng phi hóa thạch.
Các quốc gia phía Nam, do phải trả giá cho sự phụ thuộc vào lúa mỳ của Nga và Ukraine, cũng đang tìm cách cơ cấu lại nền nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực. Cho dù đó là khí đốt, dầu, bột mỳ, dược phẩm, một khi giá cả tăng vọt thì sự phụ thuộc trở nên nguy hiểm, từ đó thúc đẩy nhu cầu tự chủ của các quốc gia.
Nếu trước cuộc xung đột, yếu tố quan trọng quyết định thị trường chính là giá cả và thực tế cho thấy là đối với EU, dầu khí giá rẻ còn quan trọng hơn vấn đề chính trị và nhân quyền. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi điều này. Địa chính trị được đặt lên hàng đầu và một số quốc gia (bao gồm cả Mỹ) bắt đầu ưu tiên hợp tác kinh tế với các quốc gia khác có cùng lợi ích kinh tế và an ninh với chi phí hợp lý hơn. Các lệnh trừng phạt đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp, khiến sự cân bằng trên thị trường thế giới một lần nữa bị phá vỡ.
Trên bình diện toàn cầu, những tác động của đại dịch cùng với cuộc xung đột tại Ukraine đã khiến kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các nhà sản xuất công nghiệp phải đương đầu với chi phí sản xuất cao, còn người dân ở nhiều quốc gia phải đau đầu trước những hóa đơn thể hiện sự gia tăng chưa từng có về chi phí sinh hoạt.
Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu bị gián đoạn khiến mặt hàng này tăng giá, gây thêm áp lực lên lạm phát vốn đã cao và làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, cả Nga và Ukraine đều là nhà cung cấp quan trọng của một lượng lớn các nguyên liệu (kim loại, phân bón, quặng sắt, lúa mỳ...), điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất các sản phẩm kỹ thuật, thiết bị vận tải, hoặc thực phẩm trên toàn cầu.
Những xu hướng phát triển mới sau toàn cầu hóa
Quan sát xu hướng phát triển hiện nay của thương mại toàn cầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng trong một thế giới đang bị phân mảnh, xu hướng toàn cầu hóa bị chững lại, thậm chí suy giảm, nhưng xu hướng này sẽ không mất đi mà chỉ chuyển sang dạng khác.
Thứ nhất là dạng phi toàn cầu hóa (Deglobalization). Có thể nói, toàn cầu hóa đã dẫn đến xu hướng chuyển dịch ngành sản xuất giữa các nước phát triển và các quốc gia mới nổi. Hàng hóa được vận chuyển thông qua các chuỗi cung ứng giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty và thúc đẩy lạm phát.
Đổi lại, người tiêu dùng phương Tây được hưởng lợi từ các sản phẩm dồi dào và giá rẻ. Trung Quốc, Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác đã tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa để phát triển kinh tế và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên, cũng do toàn cầu hóa, nhiều ngành sản xuất của phương Tây đã phải đóng cửa mà không được thay thế. Thảm họa Fukushima năm 2011 trở thành lời cảnh báo đầu tiên về sự mong manh của mô hình này. Việc các nhà máy sản xuất phụ tùng ở khu vực này của Nhật Bản đóng cửa đã làm ngành ô tô toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng làm nổi bật sự phụ thuộc vào nguồn cung liên quan đến công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc hoặc đất hiếm cho phương Tây. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 vào năm 2020, và căng thẳng Nga-Ukraine vào năm 2022 đã cho thấy những giới hạn của toàn cầu hóa, từ đó dẫn đến một xu hướng mới được hình thành với tên gọi là "phi toàn cầu hóa".
Cụ thể là Trung Quốc, quốc gia từng đẩy mạnh mở cửa với thế giới, hiện đang ngày càng dựa nhiều hơn vào nguồn lực của chính mình. Các công ty cũng đang góp phần đảo ngược xu thế này qua việc rút ngắn chuỗi sản xuất của họ sau khi đã kéo dài đến hết mức. Trong khi đó các biện pháp bảo hộ cũng được nhiều nước áp dụng trở lại để củng cố chủ quyền kinh tế dẫn đến tình trạng phi toàn cầu hóa.
Thứ hai là tái toàn cầu hóa (Reglobalization). Đây là cụm từ mà Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã đề cập đến khi dự báo xu hướng phát triển của trao đổi thương mại toàn cầu sau khi chứng kiến những gián đoạn do sóng thần, lũ lụt hoặc chiến tranh. Thông thường sau quá trình ách tắc này, các công ty, do muốn đa dạng hóa nguồn cung trên một số châu lục, sẽ tiến hành đẩy mạnh trao đổi thương mại với các quốc gia ngoài các đối tác thông thường của họ. Đó là lúc "tái toàn cầu hóa" xuất hiện.
Thứ ba là siêu toàn cầu hóa (Hyperglobalization). Các nhà kinh tế đã từng sử dụng từ này để chỉ giai đoạn tăng trưởng vượt bậc về trao đổi hàng hóa trong kỷ nguyên 30 năm vinh quang của thương mại thế giới, kể từ khi nhiều quốc gia mở cửa vào những năm 1980 cho đến cuộc khủng hoảng năm 2008.
Giờ đây, khái niệm này được sử dụng nhiều hơn vì các dạng giao dịch khác vẫn đang tiếp tục tiến triển rất nhanh. Theo đánh giá của các chuyên gia tư vấn tại Viện kinh tế toàn cầu McKinsey, trong thập kỷ qua, "các luồng dữ liệu đã tăng gần 50% mỗi năm".
Thương mại dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Chiến dịch phong tỏa để phòng chống COVID-19 đã cho thấy tiềm năng của mô hình làm việc từ xa. Nếu một nhân viên có thể làm việc cách văn phòng 10 km, thì anh ta cũng có thể làm việc đó ở nơi cách xa 10.000 km.
Một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới Richard Baldwin trong cuốn sách "The Globotics Upheaval" xuất bản năm 2019 đã giải thích rằng sự kết hợp giữa toàn cầu hóa, số hóa và tự động hóa sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mang tính "siêu toàn cầu hóa" trong thế giới dịch vụ.
Thứ tư là "hồi hương" sản xuất (Relocalisation). Khái niệm này có nghĩa là một sản phẩm từng được giao cho một quốc gia xa xôi sản xuất sẽ được đưa trở về chính quốc. Người lĩnh xướng cho ý tưởng này là ông Arnaud Montebourg, người từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế Pháp trong thời gian ngắn. Hiện nay nhiều chính phủ đang tìm cách khuyến khích sự quay trở lại của các doanh nghiệp, cả vì lý do việc làm và an ninh nguồn cung (đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ cao). Bất chấp các vấn đề về chi phí và pháp quy, các công ty đang triển khai các đợt hồi hương vì chúng cho phép họ kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm và tốc độ giao hàng.
Thứ năm là dịch chuyển sản xuất sang các nước lân cận (Proximity location hay còn gọi là nearshoring), sự dịch chuyển có thể được thực hiện theo hai hướng. Hướng thứ nhất là một công ty có thể quyết định di chuyển các mắt xích trong chuỗi sản xuất của mình ở trong nước sang một quốc gia láng giềng, có thể là để nhằm khai thác sự khác biệt về chi phí tiền lương. Ví dụ, các nhà sản xuất ô tô Đức đã thuê công nhân và kỹ sư làm việc tại Hungary và Cộng hòa Czech sau khi khối Đông Âu sụp đổ, điều này giúp họ giảm được chi phí thuê nhân công.
Hướng thứ hai là để đảm bảo an toàn sản xuất, thời gian giao hàng và giảm chênh lệch chi phí, một công ty cũng có thể dịch chuyển nhà máy về một quốc gia lân cận thay vì trước đây đặt dây chuyền sản xuất ở tận bên kia Trái Đất. Đối với châu Âu, nhiều sản phẩm trước đây được sản xuất tại các nước châu Á đã được đưa về các nhà máy tại Morocco hoặc Đông Âu. Ở Mỹ, một số công ty có trụ sở tại nước này đang đưa các nhà máy mà cách đây 20 năm đã được đặt ở bên kia bờ Thái Bình Dương về đặt tại Mexico.
Thứ sáu là dịch chuyển sản xuất sang những nước thân thiện (Friendshoring). Khái niệm này xuất hiện hai năm trước trong một báo cáo của Nhà Trắng, giữa bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Theo báo cáo này, nhiều quốc gia muốn giành lại quyền kiểm soát bằng cách khuyến khích các công ty lớn ưu tiên sản xuất tại các quốc gia có quan hệ thân thiện. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã củng cố xu hướng mới này.
Văn phòng Pháp ngữ tại Quebec, khi nghiên cứu xu hướng này đã nói về khái niệm "nền kinh tế của mối quan hệ". Khái niệm này đề cập đến vấn đề nội địa hóa các mối quan hệ, hoặc giao dịch giữa những nước đồng minh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với mô hình này là mối quan hệ bạn bè về mặt địa chính trị có thể thay đổi rất nhanh theo thời gian, do đó trao đổi thương mại nếu dựa trên mô hình friendshoring cũng khó mang lại sự ổn định
Và cuối cùng là toàn cầu hóa theo khu vực (Regionalized globalization). Trong một thời gian dài, thương mại tự do đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chế độ chính trị. Các bên đều tìm thấy lợi thế của mình trong đó. Tuy nhiên, sự đối đầu ngày càng căng thẳng giữa các khối cường quốc hiện nay sẽ khiến toàn cầu hóa cũng bị phân mảnh theo khu vực.
Như chuyên gia kinh tế Edward Alden của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ nhận định: "Chúng ta đang hướng tới một thế giới mà sự chia rẽ kinh tế là tấm gương phản ánh sự chia rẽ chính trị".