Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Tổng thống Trump đã khiến các đồng minh phải tăng chi tiêu quốc phòng, ông cũng từng bước thực hiện cam kết rời bỏ những cuộc chiến tranh “không hồi kết” tại Trung Đông khiến hàng nghìn binh sĩ Mỹ thiệt mạng. Nhưng nhà lãnh đạo Mỹ đã phớt lờ lời khuyên từ các tướng quân đội cấp cao về một số vấn đề then chốt. Thậm chí ông còn nghi vấn về sự dũng cảm và tận tâm của họ với binh sĩ.
Những dấu hiệu
Theo khảo sát ý kiến từ tờ Military Times, ủng hộ từ các quân nhân đối với Tổng thống Trump đã giảm. Trong thời kỳ đầu ông Trump nhận chức, có tới 46% quân nhân tham gia khảo sát ủng hộ ông. Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát từ tháng 7-8, con số này giảm xuống chỉ còn 38%. Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết Tổng thống Trump đã thể hiện cam kết đối với quân đội Mỹ và luôn coi trọng binh sĩ Mỹ cùng gia đình của họ.
Reuters đã lật lại những bài đăng mạng xã hội Twitter, trả lời phỏng vấn và nhiều phát biểu của Tổng thống Trump kể từ khi ông nhậm chức. Kết quả cho thấy ông Trump đôi khi ca ngợi hết lời các vị tướng quân đội nhưng cũng nhiều lần đánh giá họ thiếu năng lực.
Dường như ông Trump muốn thể hiện bản thân là nhà lãnh đạo dành nhiều sự quan tâm hơn cho binh sĩ. Trong một hội nghị năm 2019, Tổng tống Trump nói: “Đôi khi tôi nhận được nhiều thông tin hơn về điều đang diễn ra từ các binh sĩ thay vì các vị tướng”.
Trong tháng 9 này, nhà lãnh đạo Mỹ chia sẻ: “Tôi không nói rằng quân đội yêu thích tôi nhưng các binh sĩ thì có. Những nhân vật cấp cao Lầu Năm Góc có lẽ không ưa thích tôi bởi họ chỉ muốn chiến tranh để các công ty sản xuất bom, chiến đấu cơ và khiến mọi người thấy hạnh phúc”.
Khi biểu tình vượt kiểm soát xảy ra tại hàng chục thành phố Mỹ bắt nguồn từ việc việc cảnh sát bắt giữ và khiến công dân da màu George Floyd tử vong tại bang Minnesota hôm 25/5, Tổng thống Trump đã cảnh báo đưa quân đội ra xử lý. Diến biến này khiến nhiều tướng 4 sao về hưu lên tiếng phản đối.
Trong tháng 6, Tổng thống Trump đã đi bộ đến thăm một nhà thờ 200 năm tuổi gần Nhà Trắng bị phóng hỏa khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Nhiều quan chức Lầu Năm Góc đã tháp tùng ông Trump tới địa điểm. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley sau đó thừa nhận việc tháp tùng ông Trump là sai lầm bởi điều này hình thành “cái nhìn rằng quân đội tham gia vào chính trị trong nước”.
Gần đây, Tổng thống Trump còn vướng vào lùm xùm gây tranh cãi liên quan đến phát biểu của ông về binh sĩ Mỹ an táng tại nghĩa trang Aisne-Marne gần Paris (Pháp). Tờ The Atlantic đưa tin rằng ông Trump gọi những binh sĩ Mỹ chôn cất tại nghĩa trang Aisne-Marne là “kẻ bại trận” và từ chối đến địa điểm này trong chuyến thăm Pháp năm 2018. Ngày 4/9, nhà lãnh đạo Mỹ đã bác bỏ thông tin tờ The Atlantic đưa.
Lầu Năm Góc coi đồng minh là quan trọng với ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài cũng như an ninh nội địa. Do vậy, họ lo ngại về phương pháp tiếp cận của Tổng thống Trump với Đức và Hàn Quốc khi yêu cầu những nước này phải trả chi phí cho binh sĩ Mỹ đóng quân và nhà lãnh đạo này còn công khai kế hoạch rút hàng nghìn binh sĩ khỏi Đức.
Mối quan hệ thăng trầm
Tháng 12/2016, trước khi đảm nhận chức Tổng thống, ông Trump đã trao đổi với Tướng về hưu James Mattis tại Bedminster. Khi đó ông Trump lập tức “ra mắt” truyền thông về Tướng về hưu James Mattis, công bố ông là nhân vật tiềm năng trong chính quyền mới.
Nhưng khi giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ông James Mattis đã bất đồng với nhà lãnh đạo Mỹ về nhiều vấn đề. Đây chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối quan hệ của Tổng thống Trump với các vị tướng nảy sinh khúc mắc.
Mùa hè năm 2017, Tổng thống Trump thảo luận với ông Mattis cùng Cố vấn An ninh Quốc gia khi đó H.R. McMaster và Ngoại trưởng ở thời điểm đó Rex Tillerson cùng một số người khác về quân số Mỹ tại Afghanistan. Cuộc họp dự kiến thời lượng 20 phút đã kéo dài tới 2 tiếng. Ông McMaster, vốn cũng là Tướng về hưu, đã chỉ trích chính sách Afghanistan của Tổng thống Trump, cáo buộc ông đứng về phía Taliban đối đầu với chính phủ được Mỹ ủng hộ ở Kabul.
Nghị sĩ Adam Smith, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng Viện Mỹ, nhận định rằng luôn có căng thẳng giữa Tổng thống Mỹ và Lầu Năm Góc. Nhưng ông Smith thừa nhận chưa từng có mức độ gay gắt như hiện nay đối với quan hệ này. Ông Smith đã trải qua 4 chính quyền khác nhau tại quốc hội Mỹ.
Giáo sư Hal Brands tại Đại học Johns Hopkins phân tích rằng mối quan hệ của Tổng thống Trump với quân đội vốn xây dựng trên nền móng không chắc chắn. Theo ông Brands, những quan chức quân đội đã quen với kỷ luật, cống hiến và xem trọng các nguyên tắc cơ bản của hiến pháp dường như không “tương thích” với một vị tổng tư lệnh thường ra lệnh theo trực giác.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng Viện Mỹ, ông Mac Thornberry thừa nhận nhiều lãnh đạo Lầu Năm Góc đã rất cảm kích khi Tổng thống Trump ủng hộ tăng ngân sách quốc phòng và trao quyền nhiều hơn cho họ ra quyết định trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng ông Thornberry cũng đề cập việc Tổng thống Trump khăng khăng muốn cử lực lượng Vệ binh Quốc gia ra biên giới, và nhiều vấn đề khác đã khiến lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc quan ngại.