Mối lo của nhóm người dễ tổn thương khi Anh 'sống chung' với COVID-19

Các tổ chức từ thiện cảnh báo kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế phòng dịch COVID-19 bắt đầu từ ngày 19/7 đang gây ra mối lo lớn cho nhóm người có nguy cơ tại Anh.

Chú thích ảnh
Chính phủ khuyến cáo những người dễ bị tổn thương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19 để bảo vệ chính mình. Ảnh: Getty Images

Theo trang The Guardian (Anh), hôm 11/7, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tất cả biện pháp hạn chế COVID-19 mang tính pháp lý sẽ hoàn hoàn được dỡ bỏ vào ngày 19/7, theo đó người dân có thể tự quyết định việc duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang dù ở trên tàu điện ngầm, trong quán rượu hay các câu lạc bộ đêm có đầy người chưa tiêm chủng. Điều này có nghĩa là mọi người sẽ phải tự cảnh giác và bảo vệ mình khi tiếp xúc gần những người mắc bệnh.

Hướng dẫn mới của Chính phủ Anh cũng khuyến cáo nhóm người có nguy cơ cao cần cẩn trọng, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ mình, như gặp gỡ bạn bè và người thân ở ngoài trời nếu có thể, đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, các nhà vận động ước tính rằng khoảng 3,8 triệu người dễ bị tổn thương có thể sẽ bị tác động khi chính phủ thay đổi chính sách phòng dịch theo hướng thúc đẩy “trách nhiệm cá nhân” như vậy, khi tỉ lệ nhiễm virus đang gia tăng ở Anh.

Nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm người có bệnh lý nền và người cao tuổi, được ưu tiên tiêm chủng tại Anh. Nước này hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho gần 1 nửa dân số, nhưng các trường hợp mắc COVID-19 lại một lần nữa tăng lên do biến thể Delta có khả năng lây lan cao và việc dỡ bỏ một số hạn chế.

Các nhà khoa học cho biết chắc chắn vaccine sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn ở một số người có bệnh lý nền có hệ miễn dịch yếu. Do vậy, nhóm người này đang lo lắng cho số phận của họ khi Anh thực hiện kế hoạch "thả cửa" COVID-19.

Chú thích ảnh
Việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ thuộc về trách nhiệm cá nhân của mọi người. Ảnh: Getty Images

Nước Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, hôm 13/7 đã ghi nhận trên 50 người chết vì COVID-19, cao nhất kể từ ngày 9/4. Hôm 14/7, quốc gia này báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày vượt 42.000 ca, nâng tổng số ca mắc vượt ngưỡng 5,2 triệu người, trong đó trên 128.000 người đã tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Ông Steven McIntosh, Giám đốc Vận động và Truyền thông của Tổ chức Hỗ trợ Ung thư Macmillan cho biết: “Macmillan đang nhận thấy sự lo lắng về việc loại bỏ các hạn chế phòng dịch trong bối cảnh các ca bệnh đang tăng rất nhanh. Những bệnh nhân ung thư có nguy cơ cao cảm thấy không an toàn khi bước ra khỏi nhà."

Ông McIntosh nói rằng chính phủ đã xác nhận kế hoạch dỡ bỏ hầu hết mọi hạn chế xã hội phòng dịch COVID-19 từ ngày 19/7, nhưng giới chức chỉ đưa ra hướng dẫn cho những người dễ bị tổn thương lâm sàng mà không tham khảo ý khiến của nhóm đại diện và hỗ trợ họ.

“Chính phủ đã không rút kinh nghiệm từ những bài học trước đó, khi chỉ thông báo về những thay đổi chính sách phòng dịch chung cho đất nước, mà không kèm theo khuyến cáo cho nhóm người có nguy cơ cao nhất, những người hơn ai hết đang vô cùng lo lắng về những thay đổi này”, ông nói.

Những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng bao gồm cả những người mắc hội chứng Down, xơ nang và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nặng.

Louise Rubin, Giám đốc Chính sách và Chiến lược tại Tổ chức từ thiện Người khuyết tật Scope, cho biết: “Trong suốt đại dịch, những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng luôn cảm thấy bị bỏ rơi. Cuộc sống của họ có thể bị hủy hoại. Hướng dẫn phòng dịch mới này sẽ buộc họ phải tự lo liệu, phải dựa vào trách nhiệm người khác và không có sự hỗ trợ để giữ an toàn cho bản thân ”.

Elizabeth Cleaver, luật sư của công ty luật Bindmans LLP có trụ sở tại London, cho biết công ty của cô đã nhận được một số yêu cầu từ các bậc phụ huynh muốn tiêm vaccine COVID-19 cho con của mình, những đứa trẻ thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Song, dù Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã “bật đèn xanh” cho việc sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech cho trẻ em trên 12 tuổi, Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) vẫn chưa đưa ra khuyến nghị về việc tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi.

“Chúng tôi chưa ban hành thủ tục tố tụng vì chúng tôi đang xác nhận xem liệu JCVI có công bố hướng dẫn nào trong tuần này. Rõ ràng là việc mở cửa vào ngày 19/7 đã làm dấy lên mối lo cho những gia đình này, những đứa trẻ dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng thậm chí còn phải chịu nhiều tổn thương hơn”, Cleaver nói.

Chú thích ảnh
Bảng đề nghị người dân giữ khoảng cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 12/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Sống chung với COVID-19 và đạt mức miễn dịch cộng đồng sớm còn hơn muộn là cách tiếp cận mà Anh từng xem xét ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu tấn công quốc gia này vào tháng 3 năm ngoái, trước khi vaccine được phát triển thành công. Song dù là một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng tốt nhất thế giới, Anh vẫn còn nhiều người chưa có miễn dịch cộng đồng do chưa tiêm chủng đầy đủ hoặc có miễn dịch tự nhiên. Đây là một lỗ hổng lớn khiến COVID-19 có thể bùng phát, đặc biệt là đối với một biến chủng dễ lây nhiễm và được đánh giá nguy hiểm như Delta.

Giới khoa học Anh nói họ chưa thực sự chắc chắn về những gì có thể xảy ra, bởi không biết công chúng sẽ hành xử thế nào sau "ngày tự do" 19/7. Ca nhiễm chắc chắn sẽ tăng, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo chính phủ không thể biết liệu làn sóng gia tăng này sẽ diễn ra từ từ hay đột ngột. 

Hành vi của công chúng sẽ là "biến số" lớn nhất. Matt Keeling, Giáo sư về dân số và dịch bệnh tại Đại học Warwick, tự hỏi từ ngày 19/7 liệu mọi người có "điên cuồng tiệc tùng" hay sẽ chọn từ từ nới lỏng biện pháp hạn chế, đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc. "Công chúng sẽ là người quyết định liệu chúng tôi sẽ đối mặt với làn sóng mới theo đường thẳng đứng hay bằng phẳng", ông nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
COVID-19 bủa vây Đông Nam Á, Indonesia có ca mắc hàng ngày cao nhất thế giới
COVID-19 bủa vây Đông Nam Á, Indonesia có ca mắc hàng ngày cao nhất thế giới

Ít nhất một nửa trong số 11 quốc gia Đông Nam Á ghi nhận số ca mắc COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục trong tuần qua. Trong số đó, tình hình dịch bệnh ở Indonesia là đáng lo ngại nhất khi có ngày ghi nhận số ca mắc cao nhất châu Á và cả thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN