Theo tờ Business Insider, ông Bob Wachter, Chủ tịch Khoa Y tại Đại học California (Mỹ), nói: “Cơn ác mộng ở đây là biến thể đó có cả ba đặc điểm trên”. Theo ông Wachter, trước đây, chưa có biến thể nào có nhiều hơn một hoặc hai đặc điểm nguy hiểm này. Tuy nhiên, biến thể Delta (có nguồn gốc Ấn Độ) gần như sắp có cả ba đặc điểm kể trên.
Ông Wachter nói: “Dữ liệu ngày nay cho thấy biến thể Delta dễ lây lan hơn, có thể nguy hiểm hơn và một phần có thể lẩn tránh hệ miễn dịch. Đây là điều đáng sợ”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã coi Delta là biến thể đáng lo ngại.
Ông Eric Topol, Giám đốc Viện Nghiên cứu tịnh tiến Scripps, viết trên Twitter: “Delta là biến thể siêu lây nhiễm, phiên bản virus đáng sợ nhất mà chúng ta từng thấy”.
Mặc dù Delta chắc chắn là mối đe dọa lớn nhất với người chưa tiêm vaccine COVID-19, nhưng một số chuyên gia lo rằng biến thể này có thể gây lây nhiễm sau tiêm vaccine, tức là người đã tiêm vaccine đầy đủ nhưng bị chẩn đoán mắc COVID-19 sau đó ít nhất hai tuần.
Các chuyên gia khác cũng lo sợ biến thể Delta có thể biến đổi thành dạng nguy hiểm hơn, vì khả năng lây nhiễm cao giúp Delta lây lan dễ hơn giữa những người chưa tiêm vaccine và do đó, nó tiếp tục sinh sôi và biến đổi.
Ông Vivek Cherian, bác sĩ nội khoa ở Baltimore, cho rằng kịch bản tệ nhất là Delta biến đổi thành loại hoàn toàn khác mà các vaccine COVID-19 hiện nay sẽ kém hiệu quả hơn hẳn hoặc không hề có hiệu quả với nó.
Nghiên cứu từ cơ quan y tế công cộng Anh cho thấy Delta khiến tỷ lệ lây nhiễm cùng gia đình tăng 60% so với biến thể Alpha (nguồn gốc Anh). Trong khi đó, bản thân Alpha đã dễ lây hơn chủng gốc 50%. Nói cách khác, Alpha so với chủng gốc như là Delta so với Alpha.
Tại Scotland, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhiễm Delta sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ phải nhập viện cao gấp đôi so với nhiễm Alpha.
Điều may mắn là Delta vẫn chưa vô hiệu hóa các loại vaccine. Phân tích của cơ quan y tế công cộng Anh cho thấy 2 liều vaccine của Pfizer vẫn có hiệu quả 96% trong ngăn chặn các ca nhập viện và hiệu quả 88% trong ngăn chặn triệu chứng bệnh ở người nhiễm Delta. Với vaccine của AstraZeneca, hiệu quả này lần lượt là 92% và 60%.
Tuy nhiên, tỷ lệ trên chỉ đạt được nếu đã tiêm đủ hai liều vaccine. Nếu chỉ tiêm một liều thì hiệu quả chỉ là 33%.
Ông Wachter lưu ý: “Ba tuần sau tiêm mũi vaccine đầu tiên, người tiêm chỉ được bảo vệ 30% trước Delta, trong khi tỷ lệ này là 80% nếu mắc chủng gốc”. Ngoài ra, hiệu quả của vaccine hoàn toàn có thể giảm rất nhanh.
Mặc dù các biến thể mới chính là thủ phạm gây ra phần lớn số ca mắc sau tiêm vaccine, nhưng hiện tượng vẫn mắc COVID-19 sau khi đã tiêm đầy đủ là rất hiếm. Báo cáo của CDC hồi tháng 5 cho thấy chỉ 0,01% người Mỹ đã tiêm chủng mà vẫn mắc bệnh COVID-19.
Ông Wachter còn lo rằng Delta có thể khiến diễn biến bệnh ở người đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19 từ nhẹ chuyển sang nặng. Rủi ro lớn nhất về vấn đề này có thể là người già hoặc người có hệ miễn dịch bị tổn thương.
Hiện nay, Delta chiếm 10% số ca mắc mới ở Mỹ, nhưng các nhà khoa học cho rằng Delta có thể trở thành chủng phổ biến ở Mỹ trong vài tuần tới.