Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Computational Science, mô hình toán học trên được phát triển từ việc phân tích hơn 80 kháng thể khác nhau được tạo ra bởi vaccine chống lại protein gai trên bề mặt của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19.
Nhà khoa học Pranesh Padmanabhan thuộc Viện não Queensland cho biết: “Chúng tôi đã phát triển một mô hình để mô tả sự đa dạng của các phản ứng kháng thể do vaccine tạo ra bên trong mỗi cá nhân và giữa các cá nhân". Mô hình này sau đó đã được áp dụng đối với 8 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được phê duyệt sử dụng trên thế giới và có thể dự đoán chính xác mức độ bảo vệ mà vaccine cung cấp khi được áp dụng trong các thử nghiệm lâm sàng.
Điều này có nghĩa là có thể đánh giá được hiệu quả của vaccine ngay trong giai đoạn đầu phát triển vaccine, qua đó giúp các nhà phát triển vaccine nhận biết sớm hơn phương thức hoạt động của loại vaccine mà họ đang phát triển.
Mô hình cũng sẽ giúp đánh giá hiệu quả của vaccine trên quy mô dân số, cũng như dự đoán tỷ lệ người dân dễ bị bệnh nặng do các biến thể phát sinh.
Mô hình này được các nhà nghiên cứu xây dựng dựa trên chủng virus gốc SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Trong những nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học hy vọng có thể áp dụng mô hình này cho các biến thể mới và vaccine mới tiềm năng.
Chuyên gia Narendra Dixit thuộc Viện Khoa học Ấn Độ cho biết: “Việc giải mã được hiệu quả khác nhau của vaccine đối với mỗi cá nhân sẽ cho phép dự đoán tỷ lệ những người được tiêm chủng tạo ra phản ứng đủ mạnh để được bảo vệ khỏi mắc bệnh nghiêm trọng”.
Ông Dixit khẳng định: “Bằng cách suy luận sự các mối liên quan giữa hoạt động của các kháng thể, sự biến đổi của kháng thể, việc tạo ra kháng thể bằng cách tiêm chủng và kết quả là khả năng bảo vệ các cộng đồng, nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những hiểu biết thú vị về hoạt động của vaccine ngừa COVID-19”.