Phát biểu trước báo giới ngày 17/4, ông Mohamed nhận định sức mua đã tăng lên. Tại tất cả các trung tâm thương mại, lượng người đi mua hàng ngày càng đông. Biên giới đã mở cửa trở lại, kinh tế quốc tế ở một chừng mực nào đó đã gia tăng. Nền kinh tế của Malaysia cũng đang phục hồi, ngoại trừ một số rủi ro từ bên ngoài như cuộc xung đột Nga-Ukraina đang thách thức nền kinh tế thế giới.
Theo hãng thông tấn quốc gia Malaysia Bernama, nền kinh tế nước này kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay khi đã chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, vốn được khởi đầu bằng sự kiện mở cửa trở lại biên giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo tăng trưởng 6% (năm 2021 chỉ số này là 3,1%) trong khi GDP quý I dự kiến đạt tăng trưởng 5-6%.
Du khách quốc tế dự kiến sẽ tăng mạnh vào năm 2025 hoặc 2026 bởi sự dịch chuyển trong việc xuất nhập cảnh vẫn còn hạn chế. Dòng khách du lịch tác động rất lớn đến nền kinh tế quốc gia như mua sắm, vận chuyển và khách sạn. Tuy nhiên, du lịch trong nước đã tăng lên và xu thế này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.
Ngày 1/4 vừa qua, Chính phủ Malaysia thông báo chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu cũng như mở cửa trở lại biên giới quốc gia. Theo Tổng Thư ký Bộ Y tế Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, đây là giai đoạn tạm ổn trước khi Malaysia hoàn toàn chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Giai đoạn chuyển tiếp này sẽ giúp cộng đồng học cách áp dụng và sống chung với COVID-19 với các biện pháp y tế công cộng ít gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày nhất. Trong giai đoạn này, Bộ Y tế Malaysia chuyển từ việc áp dụng các biện pháp can thiệp của chính phủ (như các quy định giãn cách xã hội và quy định nghiêm ngặt) sang trách nhiệm cá nhân và sự đoàn kết của cộng đồng để hạn chế sự lây lan của virus.