Tuyên bố nêu rõ Mali "rút khỏi tất cả các cơ quan và thể chế của G5 Sahel, bao gồm cả lực lượng chung chống thánh chiến”.
G5 Sahel được thành lập năm 2014 và lực lượng chống thánh chiến của nhóm này ra mắt vào năm 2017.
Theo kế hoạch, nhóm G5 Sahel tiến hành một hội nghị cấp nguyên thủ quốc gia vào tháng 2/2022 tại thủ đô Bamako của Mali để đánh dấu bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch nhóm của nước này. Tuy nhiên, gần 4 tháng sau khi nhiệm kỳ được chỉ định, hội nghị này vẫn chưa diễn ra.
Tuyên bố của chính quyền quân sự Mali chỉ trích tình trạng thiếu tiến bộ trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến và việc G5 Sahel không tổ chức các hội nghị gần đây của nhóm ở Mali. Tuyên bố cũng bác bỏ lập luận của một quốc gia thành viên G5 Sahel viện dẫn tình hình nội bộ ở Mali để phản đối vị trí chủ tịch nhóm của nước này.
Kể từ ngày 9/1 vừa qua, Mali trở thành mục tiêu của một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao từ các quốc gia Tây Phi sau các cuộc đảo chính vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021 ở nước này.
Chính phủ Mali lựa chọn quá trình chuyển đổi kéo dài 2 năm trong khi Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) thúc giục Bamako tổ chức các cuộc bầu cử trong tối đa 16 tháng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh đang xấu đi nhanh chóng ở Sahel, trong đó các cuộc đảo chính quân sự làm suy yếu năng lực hoạt động của lực lượng trong khu vực.