Malaysia triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 24/2, Malaysia bắt đầu triển khai Chương trình tiên chủng quốc gia vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với sự kiện Thủ tướng Muhyiddin Yassin là người được nhận mũi tiêm đầu tiên vào lúc 15h00 cùng ngày.

Cùng với Thủ tướng Muhiyddin, trong ngày tiêm đầu tiên còn có Tổng giám đốc Cơ quan Y tế, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah và 4 quan chức cấp cao của Bộ Y tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Petaling Jaya, bang Selangor, Malaysia, ngày 21/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến và sẽ kéo dài đến tháng 2/2022. Trong giai đoạn đầu, ưu tiên tiêm phòng cho 571.802 nhân viên tuyến đầu đã đăng ký, trong đó 57,3% là nhân viên y tế, 42,7% là nhân viên an ninh gồm lực lượng vũ trang, Cảnh sát Hoàng gia, Cơ quan Hải quan Hoàng gia…

Giai đoạn hai sẽ tiếp tục từ tháng 4-8 với đối tượng tiêm là người trên 60 tuổi và những nhóm dễ bị tổn thương và có bệnh lý nền. Giai đoạn 3 từ tháng 8 - 2/2022 dành cho người trên 18 tuổi. Mục đích của chương trình là tạo miễn dịch cho khoảng 80% dân số và người nước ngoài đang sống tại Malaysia.

Malaysia đã ký hợp đồng mua 66,7 triệu liều vaccine của 5 hãng sản xuất bao gồm: Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Sinovac, CansinoBIO và Sputnik V. 

Kể từ khi Malaysia phát hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 25/1/2020, đến nay đã ghi nhận tổng cộng 288.229 ca nhiễm và 1.076 ca tử vong.

* Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines cho biết sẽ điều tra thông tin sử dụng bất hợp pháp các loại vaccine chưa được cấp phép tại nước này. Cuộc điều tra được mở sau khi có tin một cố vấn của tổng thống đã được tiêm vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) nhập lậu vào Philippines.

Cục Thực phẩm và dược phẩm (FDA) Philippines hiện chưa phê chuẩn sử dụng vaccine trên, trong khi Sinopharm cũng không có kế hoạch xin cấp phép sử dụng tại Philippines. Tuy nhiên, ông Ramon Tulfo - đặc phái viên về Trung Quốc - tiết lộ trên truyền thông rằng ông đã nhận vaccine từ tháng 10/2020, cùng lô vaccine mà các đặc phái viên của Tổng thống Rodrigo Duterte cũng được tiêm.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin One News, ông Tulfo thừa nhận: "Tôi đã nhận vaccine từ một người bạn nhập lậu vào Philippines". Ông cho biết thêm rằng một số quan chức chính phủ cũng đã tiêm vaccine của Sinopharm.

Thông tin về việc lực lượng cảnh vệ của tổng thống được tiêm vaccine - Tổng thống Duterte không biết về vụ này - đã làm dấy lên nhiều chỉ trích của các nghị sĩ về quyền tiếp cận ưu tiên đối với vaccine cũng như vi phạm pháp luật.

Người đứng đầu FDA Rolando Enrique Domingo cho biết: "Chúng tôi đang điều tra thông tin về những mũi tiêm không đúng thủ tục này". Trong khi đó, Thứ trưởng Y tế Rosario Vergeire cho biết những người tiêm vaccine trái phép sẽ phải giải trình.

Hiện Philippines chưa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà cũng như chưa nhận bất kỳ loại vaccine nào mà nước này đã cấp phép sử dụng hàng loạt. Đây là một trong những nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu Á.

Hằng Linh - Bích Liên (TTXVN)
Rò rỉ báo cáo của WHO về quá trình điều tra COVID-19 của Trung Quốc
Rò rỉ báo cáo của WHO về quá trình điều tra COVID-19 của Trung Quốc

Báo Anh The Guardian đã dẫn một tài liệu bị rò rỉ của nhóm chuyên gia WHO phụ trách điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN